Nhật Bản sẽ sớm thí nghiệm nuôi cấy nội tạng người trên lợn

Công nghệ - Ngày đăng : 15:32, 30/04/2019

(HNMO) - Trường Đại học Tokyo (Nhật Bản) vừa thông báo kế hoạch khởi động việc thí nghiệm nuôi cấy các loại nội tạng của con người trên cơ thể lợn trong vòng 1 năm tới.

Chuỗi ADN của lợn và người có nhiều điểm tương đồng, mở ra khả năng thí nghiệm điều trị bệnh cho con người.


Việc nuôi cấy này nhằm khai thác các cơ quan nội tạng cần thiết để phục vụ cho việc cấy ghép thay thế. Ban đầu, các nhà khoa học sẽ thử nghiệm “sản xuất” tế bào tuyến tụy từ các tế bào gốc (tế bào iPS). Giáo sư Hiromitsu Nakauchi, Trưởng Dự án, cho biết sẽ tiến hành thí nghiệm trong vòng 1 năm tới, sau khi có được sự chấp thuận từ phía các ủy ban giám sát của chính phủ Nhật Bản cũng như trường Đại học Tokyo.

Về lý thuyết, các nhà khoa học sẽ đưa tế bào gốc (tế bào iPS) của người, vốn có thể biến đổi thành bất cứ loại tế bào chức năng nào, vào phôi đã biến đổi gene của lợn. Kỹ thuật biến đổi gene khiến phôi này không thể tự phát triển tuyến tụy, mà tập trung nuôi các tế bào cấy ghép. Sau khi “hoàn thiện”, phôi sẽ được đưa vào tử cung của lợn đẻ. Trước khi đủ ngày sinh, thai lợn sẽ được lấy ra để kiểm tra lượng mô tụy có nguồn gốc từ các tế bào gốc iPS nói trên và chức năng của chúng.

Nếu thí nghiệm thành công, các tế bào tuyến tụy biến đổi gene có thể được sản xuất hàng loạt để điều trị nhiều loại bệnh, đặc biệt là tiểu đường, ngay trong vòng 10 năm tới.

Dự án lần này của trường Đại học Tokyo được công bố ngay sau khi chính phủ Nhật Bản dỡ bỏ lệnh cấm chế tạo các loại động vật có tế bào con người, nhằm tạo nguồn cung nội tạng thay thế trong bối cảnh nguồn hiến tạng không thể theo kịp nhu cầu y tế tại Nhật Bản.

Tokyo hiện vẫn cấm việc đặt trứng động vật đã thụ tinh có chứa tế bào con người trong tử cung con người, cũng như sử dụng động vật được sản xuất thông qua kỹ thuật di truyền như vậy để nhân giống. Tuy nhiên, những thí nghiệm tương tự trên lợn đã được tiến hành ở nước khác.

Hoàng Linh