Một thời hoa lửa sống động giữa lòng Thủ đô
Văn hóa - Ngày đăng : 07:40, 30/04/2019
Các nữ chiến sĩ Trường Sơn tham quan triển lãm. Ảnh: Thụy Du |
Triển lãm do VCCA phối hợp với Hội Truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh Việt Nam tổ chức, diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại (19/5/1959 - 19/5/2019) và 44 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2019), với mong muốn giúp công chúng hiểu được phần nào sự khốc liệt và cuộc chiến đấu ngoan cường, không tiếc máu xương của quân dân ta trên đường Trường Sơn - tuyến đường vận tải chiến lược, góp phần quyết định thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Điều khác biệt của “Ký ức đường Trường Sơn” là sử dụng nghệ thuật trưng bày hiện đại từ các chất liệu của quá khứ.
Ký họa được chọn là “xương sống” triển lãm quy mô lớn nhất (trưng bày trên diện tích hơn 3.000m2) và dài ngày nhất (từ ngày 26-4 đến 26-5) về đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại từ trước đến nay. Họa sĩ Lê Thiết Cương, giám tuyển triển lãm chia sẻ: “Ký họa chính là hội họa báo chí, chúng mang đầy đủ thông tin như một bài báo bằng hình ảnh với sự nhanh nhạy, cập nhật, thể hiện người thực, việc thực, cảnh thực, tình huống thực. Mỗi người sẽ thấy ở đó sự sống động của lịch sử. Đó chính là chủ ý của chúng tôi, mong muốn tái hiện đường Trường Sơn những năm tháng khốc liệt thật chân thực”.
Trưng bày ở vị trí trung tâm là 200 ký họa và tranh, chủ yếu được sáng tác trong thời kỳ chiến tranh, trong đó có nhiều bức ký họa trực tiếp tại đường Trường Sơn trong những năm từ 1960 đến 1975, của các họa sĩ, chiến sĩ: Đào Đức, Hoàng Đình Tài, Trần Huy Oánh, Chu Thảo, Lê Trí Dũng, Phạm Lực, Nguyễn Đức Dụ, và một số tranh họa sĩ Nguyễn Đức Dụ, Phạm Lực, Nguyễn Thanh Châu sáng tác sau này từ ký họa.
Ở đó, người xem sẽ gặp lại chân thực những chiến sĩ, thanh niên xung phong quả cảm, những tuyến đường, vùng đất trọng điểm… trên khắp các nẻo đường Trường Sơn. Có bức bằng bút chì, than hay bút sắt, màu nước, có bức vẽ tỉ mỉ, chi tiết nhưng cũng có bức chỉ phác vài đường nét tiêu biểu…
Họa sĩ Lê Trí Dũng xúc động nói: “Tôi đã khóc khi nhìn các bản vẽ của mình bên những bức ký họa của đồng nghiệp. Chúng đều còn nóng bỏng hơi bom và trận mạc, tưởng như được gặp lại những đồng đội đã nằm xuống con đường huyền thoại này”.
Trước khi tiến vào khu vực trung tâm, người xem còn được thưởng lãm dãy Trường Sơn sơn đỏ phía cạnh cửa. Mặt trước dãy Trường Sơn là những bản thảo thơ, nhạc viết tay và nhật ký chiến trường của nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị; nhạc sĩ Vũ Trọng Hối; nhạc sĩ Huy Du; nhà văn, nhà báo Dương Thị Xuân Quý; nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha... Mặt sau dãy núi là ảnh đường Trường Sơn của liệt sĩ, nhà báo chiến trường Lương Nghĩa Dũng và ảnh các văn nghệ sĩ tại chiến trường. Bộ phim 9 tập “Ký sự đường Trường Sơn huyền thoại” do Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất cũng được trình chiếu liên tục tại đây, cung cấp thêm nhiều tư liệu quý giá về tuyến đường và những con người làm nên lịch sử ngày ấy.
Biết tin về triển lãm ý nghĩa này, bà Đoàn Thị Chiến, cùng hai đồng đội Vũ Thị Dung và Nguyễn Thị Trâm đều là bộ đội Trường Sơn, từ quận Hà Đông (Hà Nội) có mặt ngay trong ngày khai mạc. Ba nữ chiến sĩ đã vào sinh ra tử ở chiến trường lúc mười tám, đôi mươi, giờ đã ở tuổi ngoài 60, cùng sinh hoạt trong Hội Nữ chiến sĩ Trường Sơn Hà Nội. Họ xem từng bức vẽ, ký ức một thời ùa về.
“Chúng tôi nhớ từng tuyến đường, từng ngã ba, ngã tư, từng cây cầu, hang động, nhớ những công việc mà lực lượng mở đường, công binh, lái xe… gánh vác. Tất cả hiển hiện ở đây qua những bức vẽ, khiến chúng tôi cảm thấy mọi chuyện như mới hôm qua, rưng rưng tưởng tượng được gặp lại những đồng đội đã hy sinh…”, bà Đoàn Thị Chiến đỏ hoe mắt chia sẻ.
Ba nữ cựu chiến binh cho biết, những ngày tới sẽ đưa con, cháu đến triển lãm, để chúng hiểu về mẹ, về bà ngày xưa đã chiến đấu như thế nào ở tuyến đường Trường Sơn bỏng lửa và là người thật may mắn được trở về.
Triển lãm không chỉ thu hút những người đã từng chiến đấu tại Trường Sơn ngày nào mà người dân, du khách, đặc biệt là các bạn trẻ Hà Nội đã đến say sưa thưởng lãm. Đúng như họa sĩ Lê Thiết Cương kỳ vọng: “Xây dựng thành công một đường Trường Sơn từ trái tim đến trái tim giữa lòng Thủ đô trong những ngày ý nghĩa, để nối quá khứ với hiện tại và tương lai…”.