Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng
Doanh nghiệp - Ngày đăng : 06:37, 30/04/2019
Việc tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh thuận lợi sẽ thúc đẩy hoàn thành mục tiêu tăng trưởng đã đề ra. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty cổ phần Kỹ thuật công nghiệp Á Châu, Khu công nghiệp Quất Động mở rộng, huyện Thường Tín. Ảnh: Viết Thành |
Ba nhóm giải pháp để phát triển sản xuất
Quý I-2019, tổng sản phẩm trên địa bàn Hà Nội (GRDP) tăng 6,99% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,86%, xuất khẩu tăng 11,3% (lần lượt cùng kỳ tăng 8,5%, 17%). Đây là dấu hiệu của sự chững lại, giảm về tốc độ tăng trưởng của một số chỉ tiêu. Việc dồn sức, gỡ khó cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh để bảo đảm tăng trưởng như mục tiêu đề ra là từ 7,4 đến 7,6% trong năm 2019 là yêu cầu bắt buộc.
Tiếp tục chỉ đạo quyết liệt thực hiện các giải pháp đã đề ra, chủ động ứng phó với những diễn biến mới, ngày 16-4-2019, UBND thành phố đã ban hành Chỉ thị số 07/CT-UBND về việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng năm 2019. Theo đó, yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện tập trung, nghiêm túc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra từ đầu năm tại Chương trình hành động số 12/CTr-UBND ngày 10-1-2019 và Chương trình công tác của UBND thành phố năm 2019, đồng thời căn cứ Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 1-4-2019 của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp tập trung tháo gỡ cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng 6 tháng và cả năm.
Ba nhóm giải pháp cụ thể gồm: bảo đảm tăng trưởng gồm phòng, chống dịch bệnh và bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm; tháo gỡ cho sản xuất, kinh doanh; bảo đảm thu ngân sách và giải ngân đầu tư xây dựng cơ bản. Trong đó, nhóm giải pháp "tháo gỡ cho sản xuất, kinh doanh" có ý nghĩa then chốt trong bảo đảm các mục tiêu tăng trưởng kinh tế của năm 2019. Các sở, ban, ngành và UBND quận, huyện, thị xã tập trung vào việc rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính; chỉnh sửa, bổ sung chính sách tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp; hoàn thành kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin, kế hoạch dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4 năm 2019; nâng cao Chỉ số quản trị hành chính công cấp tỉnh (PAPI)...
Chỉ đạo quyết liệt của UBND thành phố là biểu hiện cụ thể của một chính quyền kiến tạo. Lãnh đạo thành phố cũng nhấn mạnh việc thực hiện kỷ cương công vụ; gắn hiệu quả công tác của cán bộ với việc đánh giá, thi đua; lĩnh vực nào không đạt mục tiêu thì cán bộ phụ trách phải chịu trách nhiệm. Đó cũng là yêu cầu với từng cơ quan, từng cán bộ trong việc triển khai thực hiện Chỉ thị 07/CT-UBND nhằm đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng.
Hỗ trợ, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp
Hướng dẫn người dân làm thủ tục đăng ký kinh doanh tại Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội. Ảnh: Nhật Nam |
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, 4 tháng đầu năm nay, Hà Nội có thêm 8.783 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng vốn đăng ký hơn 83.000 tỷ đồng (tăng 12% về số doanh nghiệp và tăng 5% về vốn đăng ký). Tuy nhiên, cũng có 728 doanh nghiệp giải thể (tăng 47% so với cùng kỳ) và 3.778 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động (tăng 28% so với cùng kỳ). Như vậy, "sức khỏe" của một bộ phận doanh nghiệp đã suy giảm, dẫn đến buộc phải rút khỏi thị trường khi đuối sức trong cuộc cạnh tranh. Vì thế, việc hỗ trợ doanh nghiệp càng đặt ra cấp bách hơn để các đơn vị có thêm cơ hội, tăng sức "đề kháng" và có thể chống đỡ, vượt qua khó khăn.
Trên thực tế, hỗ trợ doanh nghiệp là công việc liên tục của các ngành chức năng. Đơn cử, từ đầu năm 2019 đến nay, Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (Sở Kế hoạch và Đầu tư) đã tư vấn miễn phí cho khoảng 9.000 lượt doanh nghiệp, hỗ trợ nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử cho 370 lượt doanh nghiệp, tổ chức 3 khóa đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp...
Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho biết, Sở tiếp tục chủ động giảm thời gian giải quyết những thủ tục như đăng ký mẫu dấu (giải quyết hồ sơ trong vòng 1 ngày làm việc so với quy định là 3 ngày làm việc); chấm dứt hoạt động của địa điểm kinh doanh (giải quyết hồ sơ trong vòng 3 ngày làm việc so với quy định là 5 ngày)…
Trong khi đó, Sở Công Thương sẽ tăng cường quảng bá thông tin cho doanh nghiệp có sản phẩm công nghiệp chủ lực; tham gia gỡ khó cho quá trình xây dựng 5 cụm công nghiệp, cũng như tổ chức các chương trình, tập huấn nâng cao năng lực của doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Về phía doanh nghiệp, đã có những ghi nhận tích cực về sự hỗ trợ của các cơ quan nhà nước. Ông Nguyễn Văn Toản, Giám đốc Công ty TNHH Amigo Gold, tại Khu đô thị mới Vân Canh (huyện Hoài Đức) cho biết: "Các quy định hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thành lập mới đang được nhiều đơn vị ghi nhận. Cụ thể, doanh nghiệp khi thành lập được hỗ trợ 300.000 đồng là phí công bố thông tin đăng ký doanh nghiệp; 300.000 đồng chi phí khắc dấu pháp nhân, 20.000 đồng chi phí chuyển phát nhanh kết quả về cho chủ doanh nghiệp. Chúng tôi cũng đánh giá cao việc thành phố, Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ động trong công tác tư vấn, tặng phần mềm kế toán, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực...".
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, quá trình chủ động tháo gỡ các rào cản cho doanh nghiệp của Hà Nội khá ấn tượng, cho thấy sự kiên trì của chính quyền thành phố và có sự tăng tiến qua từng năm, từ đó thúc đẩy làn sóng khởi nghiệp trên địa bàn.
Rõ ràng, Hà Nội đã đạt nhiều kết quả tích cực trong cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, thứ bậc trong bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI, nhưng lãnh đạo thành phố vẫn xác định không thỏa mãn, mà càng quyết tâm tập trung cải cách, hướng tới kết quả cao hơn nữa. Sự cầu thị và quyết tâm đồng hành cùng doanh nghiệp, cùng tìm dư địa để tăng tốc độ cải cách, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đã nhận được sự phản hồi tích cực từ doanh nghiệp, hứa hẹn mang lại những thành công mới.