Đại tướng Lê Đức Anh với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975) (tiếp theo và hết)

Chính trị - Ngày đăng : 06:13, 01/05/2019

(HNM) - Cuối năm 1967, đầu năm 1968, cục diện chiến tranh có sự chuyển biến nhanh chóng theo hướng ngày càng có lợi cho ta, bất lợi cho Mỹ, Trung ương Đảng quyết định mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy trên khắp chiến trường miền Nam, trọng điểm nhằm vào các đô thị nhằm buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán rút quân về nước, tạo bước ngoặt mới cho cuộc kháng chiến.

Trung tướng Lê Đức Anh - Tư lệnh Quân khu 9, nguyên Phó Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh (ngoài cùng bên phải hàng đứng) - chụp ảnh cùng với các đồng chí Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Văn Tiến Dũng... dự Hội nghị tổng kết Chiến dịch Hồ Chí Minh tại Đà Lạt năm 1975. Ảnh tư liệu


Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy bắt đầu diễn ra vào dịp Tết Mậu Thân 1968, chia làm 3 đợt (30/1 - 25/2; 4/5 - 18/6; 17/8 - 23/9). Quân và dân miền Nam bất ngờ, đồng loạt tiến công, nổi dậy ở 4 thành phố, 37 thị xã và hàng trăm quận lỵ, thị trấn; tập trung đánh vào nội thành và các cơ quan đầu não địch (Dinh Độc Lập, tòa đại sứ Mỹ, Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Tư lệnh Hải quân, Tổng nha Cảnh sát, Đài Phát thanh Sài Gòn...), các căn cứ hậu cần, sân bay, bến cảng lớn, nhiều sở chỉ huy cấp quân khu, quân đoàn, sư đoàn của địch. Chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng đề ra, đồng chí Lê Đức Anh vừa cùng Bộ Chỉ huy Miền xây dựng kế hoạch, chỉ đạo chiến trường, vừa trực tiếp chỉ huy bộ đội ở hướng Tây Sài Gòn, từ Long An đánh vào Tổng nha Cảnh sát và Cảnh sát đô thành, có mũi đánh thọc sâu vào áp sát quận 6, gần tới Phú Lâm, phối hợp chặt chẽ với các hướng tiến công khác trên toàn miền.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 đã đánh sập ý chí xâm lược, buộc phía Mỹ phải xuống thang chiến tranh, chấm dứt hoàn toàn ném bom miền Bắc, chấp nhận đàm phán với ta tại Hội nghị Paris. Đó là bước ngoặt lớn của chiến tranh. Tuy nhiên, do mắc một số sai lầm, khuyết điểm (chủ quan đánh giá tình hình địch - ta; tư tưởng chỉ đạo nóng vội; chậm nắm bắt diễn biến, chỉ đạo thiếu kiên quyết, chưa kịp thời,...), nên cách mạng miền Nam cũng chịu tổn thất to lớn. Địch tổ chức nhiều cuộc phản công, càn quét đánh phá dữ dội. Quân giải phóng dần bị đẩy lùi ra khỏi thành phố và ven đô. Nhiều vùng nông thôn của ta trước đây bị địch chiếm lại.

Từ năm 1969, Mỹ chuyển sang chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, chủ trương rút dần quân viễn chinh về nước, đồng thời phát triển lực lượng quân đội Sài Gòn để gánh vác chiến tranh, thực chất là thực hiện chính sách “dùng người Việt Nam đánh người Việt Nam”. Biện pháp cơ bản của địch là: Thỏa hiệp với một số nước lớn xã hội chủ nghĩa nhằm cô lập cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam; tiến công đánh phá tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn của ta; đẩy mạnh chương trình “bình định” nhằm chiếm đất, giành dân với cách mạng, trọng điểm là địa bàn Quân khu 9 (Tây Nam Bộ).

Đầu năm 1969, đồng chí Lê Đức Anh được điều động giữ chức Tư lệnh Quân khu 9. Đây thực sự là một thử thách rất to lớn, bởi lúc này, địch đã bình định, lấn chiếm gần hết vùng giải phóng, chỉ còn lại căn cứ U Minh và Cà Mau. Lực lượng chủ lực và lực lượng vũ trang địa phương tổn thất nặng, mất sức chiến đấu. Chính trong hoàn cảnh lịch sử ngặt nghèo đó, đồng chí Lê Đức Anh cùng Khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu tổ chức nhiều cuộc họp tìm cách tháo gỡ, cuối cùng đi đến thống nhất: Sử dụng tất cả lực lượng hiện có kiên trì bám trụ, tiêu hao, tiêu diệt quân địch, ngăn chặn từng bước và đánh bại âm mưu bình định lấn chiếm của chúng, kiên quyết bảo vệ vùng giải phóng còn lại; trên cơ sở đó tạo điều kiện để khôi phục vùng địch mới lấn chiếm; chuẩn bị những điều kiện cơ bản để giành lại địa bàn đông dân nhiều của ở phía trước.

Thực hiện chủ trương mới đề ra, Bộ Tư lệnh Quân khu yêu cầu: Các lực lượng vũ trang phải tích cực bám dân, sống trong dân, làm chỗ dựa cho dân, cùng với dân hình thành lực lượng tổng hợp đánh địch. Bộ đội chủ lực phối hợp chặt chẽ bộ đội địa phương và dân quân du kích khắc phục khó khăn thường xuyên tổ chức tiến công địch; xây dựng, phát triển lực lượng, nhất là củng cố xây dựng bộ đội chủ lực tạo điều kiện thực hành phản công, phá thế tiến công của địch. Nhờ những chủ trương, biện pháp đúng đắn đó, quân dân Khu 9 liên tiếp đánh bại nhiều cuộc hành quân càn quét bình định quy mô lớn của địch, giữ vững căn cứ U Minh, Cà Mau (1969-1970), từng bước đưa phong trào cách mạng trên địa bàn Quân khu lên bước phát triển mới trong những năm 1971-1972.

Do chịu thất bại liên tiếp trên khắp các chiến trường, đồng thời phong trào phản đối chiến tranh của nhân dân trong nước và thế giới dâng cao mạnh mẽ, ngày 27-1-1973, Chính phủ Mỹ buộc phải ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, rút hết quân viễn chinh về nước. Tuy nhiên, với bản chất ngoan cố và hiếu chiến, Mỹ vẫn viện trợ kinh tế, quân sự cho chính quyền, quân đội Sài Gòn hòng tiếp tục theo đuổi cuộc chiến tranh tại miền Nam. Chúng huy động hầu như toàn bộ lực lượng mở những chiến dịch “tràn ngập lãnh thổ”, bình định lấn chiếm vùng giải phóng.

Về phía ta, trong thời gian đầu, do nhấn mạnh đến hòa bình, hòa hợp; chưa thấy hết âm mưu và hành động của địch; buông tư tưởng chiến lược tiến công nên một số địa phương ta mất đất, mất dân. Riêng tại Quân khu 9, do đánh giá đúng âm mưu, hành động của địch, đồng thời bám sát yêu cầu thực tiễn chiến trường, đồng chí Lê Đức Anh cùng Khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu chủ trương: Giữ vững tư tưởng cách mạng tiến công, kiên quyết đánh bại kế hoạch bình định, buộc địch phải thực hiện Hiệp định Paris. Phương châm trước mắt cần thực hiện là “đấu tranh quân sự và chính trị kết hợp với pháp lý của Hiệp định”, tư tưởng chỉ đạo cơ bản vẫn là “tiến công địch để giành dân, giành quyền làm chủ; giành dân, giành quyền làm chủ để tiến công địch”.

Thực tiễn lịch sử đã chứng minh chủ trương, biện pháp của Quân khu 9 là hoàn toàn đúng đắn. Chiến thắng tiêu biểu nhất là ta đã đánh bại cuộc hành quân bình định lấn chiếm của 75 lượt tiểu đoàn địch tại khu vực Chương Thiện (Hậu Giang) trong năm 1973. Với chiến thắng Chương Thiện, ta đã giữ vững địa bàn trọng điểm, tạo được thế và lực mới, xây dựng và củng cố lực lượng về mọi mặt, rút ra những bài học kinh nghiệm tốt cho các chiến trường bạn, đồng thời làm cơ sở lý luận và thực tiễn để Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 21 (7-1973) khẳng định: Bất kể trong tình huống nào, con đường giành thắng lợi cơ bản của cách mạng Việt Nam cũng là con đường bạo lực, do đó phải nắm vững chiến lược tiến công, kiên quyết đấu tranh trên ba mặt trận quân sự, chính trị, ngoại giao, nhằm tiến lên thực hành phản công để giành toàn thắng.

Sang năm 1974, cục diện chiến trường miền Nam có sự chuyển biến nhanh chóng, cách mạng phát huy quyền chủ động mở những đợt hoạt động rộng khắp, đẩy quân đội Sài Gòn ngày càng lún sâu vào thế bị động. Đồng chí Lê Đức Anh được Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương điều động về giữ chức Phó Tư lệnh Bộ Chỉ huy Miền, phụ trách công tác lập kế hoạch tác chiến và được phong quân hàm vượt cấp từ Đại tá lên Trung tướng. Theo đề xuất của đồng chí Lê Đức Anh, các đơn vị chủ lực của Miền cần huấn luyện theo hướng mới, tập trung vào khả năng đánh công kiên, lấy chi khu quân sự Đồng Xoài của địch làm mục tiêu, đối tượng để luyện tập theo cả ba cấp: Đại đội, tiểu đoàn, trung đoàn. Nhờ luyện tập thuần thục chiến thuật này (trong vòng 3 tháng), nên trong chiến dịch Đường 14 - Phước Long (13/12/1974 - 6/1/1975), ta đã nhanh chóng đánh chiếm các chi khu Bù Đăng, Bù Đốp, Đồng Xoài... giành thắng lợi. Đây là đòn trinh sát có ý nghĩa chiến lược, vừa cho thấy sự suy yếu của quân đội Sài Gòn, khả năng can thiệp rất hạn chế của Mỹ, đồng thời tạo thêm cơ sở để Bộ Chính trị hạ quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Đầu năm 1975, chớp thời cơ chiến lược, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương hạ quyết tâm mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn miền Nam, mở đầu bằng chiến dịch Tây Nguyên (4/3 - 3/4/1975), tiếp theo là chiến dịch Trị Thiên - Huế (5 - 26/3/1975), chiến dịch Đà Nẵng (26 - 29/3/1975) và kết thúc bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (26 - 30/4/1975). Trong đòn quyết chiến chiến lược cuối cùng, đồng chí Lê Đức Anh được cử giữ chức Phó Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh, kiêm Tư lệnh cánh quân Tây - Tây Nam, Chỉ huy Đoàn 232 (tương đương cấp quân đoàn) tiến công vào Sài Gòn.

Vào hồi 11h30 ngày 30-4-1975, lá cờ cách mạng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, cũng chính là thời khắc báo hiệu sự toàn thắng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước kéo dài 21 năm, đồng thời kết thúc vẻ vang chặng đường 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc (1945-1975). Sau năm 1975, đồng chí Lê Đức Anh tiếp tục giữ nhiều cương vị, trọng trách khác nhau trong quân đội, được phong quân hàm Thượng tướng (1980), Đại tướng (1984) và trở thành lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước Việt Nam.

Nhiều thập kỷ đã trôi qua, song những đóng góp của Đại tướng Lê Đức Anh đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975) sẽ mãi được lịch sử ghi nhận. Dù trên cương vị chỉ huy nào, Đại tướng cũng thể hiện được tầm nhìn sâu rộng, tư duy sắc sảo, thể hiện bản lĩnh quyết đoán, dám làm, dám chịu trách nhiệm, xứng đáng được vinh danh là một trong những vị tướng tài ba của Quân đội nhân dân Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.

TTXVN