Phát hiện nhiều điều thú vị bên trong pho tượng cổ chùa Láng

Xã hội - Ngày đăng : 08:52, 19/03/2005

Chùa Láng (Chiêu Thiền tự) thờ Thiền sư Từ Đạo Hạnh là một trong những ngôi chùa cổ lớn của Hà Nội. Nơi đây hiện còn lưu giữ nhiều di vật cổ có giá trị, trong đó phải kể đến bức tượng Từ Đạo Hạnh bằng gỗ sơn. Bức tượng này đã có từ rất lâu, được tu bổ cơ bản và đến tháng 1.2005, sau hơn 300 năm, bức tượng một lần nữa được tu bổ toàn diện.

Lầu bát giác chùa Láng

Chùa Láng (Chiêu Thiền tự) thờ Thiền sư Từ Đạo Hạnh là một trong những ngôi chùa cổ lớn của Hà Nội. Nơi đây hiện còn lưu giữ nhiều di vật cổ có giá trị, trong đó phải kể đến bức tượng Từ Đạo Hạnh bằng gỗ sơn. Bức tượng này đã có từ rất lâu, tương truyền có từ thời Lý, đến thời Lê (khoảng năm 1644 - 1646) được tu bổ cơ bản và đến tháng 1.2005, sau hơn 300 năm, bức tượng một lần nữa được tu bổ toàn diện.

Ngôi chùa cổ nhiều giá trị:

Chùa Láng (Chiêu Thiền tự) được xây dựng thời Vua Lý Anh Tông (1138 - 1175) là một quần thể kiến trúc rộng lớn, được xây dựng theo kiểu "nội công ngoại quốc", tính ra vừa đủ 100 gian. Tại chùa xưa kia có quyển sách kinh bằng đồng lá "Bát diệp đồng thư" (nay đã mất) và nhiều di vật có giá trị như tấm bia "Tạo lệ" dựng năm Thịnh Đức thứ 4 (1656) cao 1,4m, rộng 0,8m, hoa văn tinh xảo, bia Phúc điền cùng 13 tấm bia khác từ thời Tự Đức đến thời Bảo Đại. Chùa Láng hiện còn lưu giữ các đạo sắc phong của các triều Lê, Tây Sơn, Nguyễn, 30 bức hoành phi, 31 đôi câu đối, một "đại hồng chung" và một khánh lớn bằng đồng đúc năm Thiên vận Mậu Ngọ (1738). Đặc biệt, trong hậu cung chùa còn có pho tượng Đức Từ Đạo Hạnh theo truyền thuyết được làm bằng mây rút, phủ sơn son thếp vàng. Theo khảo sát ban đầu, căn cứ vào đường nét tạo hình và các lớp sơn quan sát được tại các điểm vỡ trên thân tượng thì tượng có niên đại vào đời Lê.

Theo sử sách, tương truyền Từ Đạo Hạnh là thiền sư nổi tiếng thời Lý thuộc thế hệ thứ 12 dòng Thiền Nam Phương. Theo sách "Thiền Uyển tập anh", thiền sư Đạo Hạnh họ Từ, tên Lộ, con của Từ Vinh và bà Tăng Thị ở làng Yên Lãng (tục gọi là làng Láng), là người thông minh, hiếu học, có chí lớn, tính tình phóng khoáng. Sau khi cha mất, Từ Đạo Hạnh chọn con đường đi Tây Vực để học đạo. Tuy không đến được ấn Độ nhưng theo một số sách, ông đã học được những phép thuật ở phái Mật Tông của Phật giáo. Khi trở về, ông đến tu tại núi Phật Tích (còn gọi là núi Sài Sơn - Hà Tây). Tại đây Từ Đạo Hạnh cho xây am Hương Hải, viện Phổ Đà, sau này trở thành chùa Thiên Phúc (còn gọi là chùa Thầy). Ông là người có kiến thức sâu rộng về đạo Phật, thường đi khắp nơi giảng đạo, hay làm thơ về cuộc sống, nay còn lại 4 bài in trong tập "Thơ văn Lý - Trần". Ông còn được tôn là Tổ sư nghề hát chèo, nay còn lại bài giáo trò mà các vở chèo dân gian nào cũng hát ở phần mở đầu. Từ Đạo Hạnh mất năm 1117 tại chùa Thiên Phúc, thân pháp còn được lưu giữ tại chùa và bị quân Minh đốt huỷ vào khoảng thế kỷ 15. Theo thuyết luân hồi của đạo Phật và một số thư tịch nói rằng ông được đầu thai vào làm con trai Sùng Hiền Hầu, được bác ruột là Vua Lý Nhân Tông (1072 - 1128) nuôi, phong làm Thái tử cho kế vị là Vua Lý Thần Tông.

Nhiều phát hiện thú vị bên trong pho tượng:

Phát hiện về lớp cốt trong cùng của bức tượng đã làm sáng rõ truyền thuyết xưa là người xưa đã dùng mây đan, rút thành cốt tượng sau đó đem xá lị ngài trộn với sơn ta bồi đắp nên thành tượng. Trong quá trình tu bổ, các nhà nghiên cứu đã phát hiện lớp cốt tượng trong cùng được đan bằng một loại đồng đã được rút thành sợi, một kỹ thuật đã có từ thời cổ đại, sau đó dùng sợi mây đã chẻ, phết sơn ta quấn kín sợi đồng mà thành hình cốt tượng. Lớp thứ hai là lớp vải, tiếp theo là lớp cốt bồi, các lớp sơn, thêm một lớp vải, đến các lớp vàng và ngoài cùng là lớp sơn quang.

Theo nhận xét của một nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu tiền sử Đông Nam Á thì hai lớp vải bồi tượng có niên đại cách nhau khoảng vài trăm năm, loại đồng quấn trong cốt tượng là loại đồng sớm. Bên trong tâm tượng còn phát hiện được 7 đồng tiền cổ có các dòng chữ "Đại Thuận Thông Bảo" và một gương đồng cổ. Theo GS-TS Đỗ Văn Ninh, đây là loại tiền được đúc vào khoảng năm 1644 - 1646. Phát hiện này phù hợp với ghi chép trong tấm bia "Về việc trông coi chùa Chiêu Thiền (chùa Láng)": "Đại thánh Từ Đạo Hạnh thác sinh đầu thời Lý, khi ngài hoá dựng bức tượng, di tích vẫn còn. Đến nay tượng bị mục, ngày 20 tháng 5 năm Mậu Thân kính cẩn tâu xin được làm lại như cũ. Từ ngày 27 tháng 7 khởi công, đến ngày 12 tháng 12 công trình hoàn thành tốt đẹp. Bèn ghi lại lưu truyền để đời sau được biết". Như vậy là sau lần tu bổ vào đời Lê, đến nay, sau hơn 300 năm, tượng Đức thánh Láng mới được tu bổ thêm một lần nữa. Công việc tu bổ do hoạ sĩ sơn mài Đào Ngọc Hân, người đã thành công trong việc tham gia tu bổ, bảo quản 4 pho tượng nhục thân của các thiền sư Chuyết Chuyết (chùa Phật Tích), Vũ Khắc Minh, Vũ Khắc Trường (chùa Đậu), Như Trí (chùa Tiêu Sơn) thực hiện. Tượng Đức thánh Láng được tu bổ theo đúng các nguyên tắc về bảo tồn bảo tàng và công nghệ sơn mài cổ truyền của dân tộc.

Ông Đặng Huynh - Phó trưởng BQL di tích phường Láng Thượng cho biết, đây là pho tượng cổ đầu tiên của Hà Nội, một trong số hiếm hoi các pho tượng cổ quý giá được bảo quản, tu bổ một cách khoa học.

HONGHAI