Góp phần kiến tạo tương lai thịnh vượng

Kinh tế - Ngày đăng : 06:19, 03/05/2019

(HNM) - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Chính phủ sẽ tạo môi trường thuận lợi để khu vực này phát triển, qua đó góp phần tạo ra một tương lai thịnh vượng, bền vững cho đất nước.

Thành phố Hà Nội dẫn đầu cả nước về số doanh nghiệp thành lập mới nhờ chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư - kinh doanh. Ảnh: Bá Hoạt


Nhiều đề xuất, khuyến nghị

Tại diễn đàn, trong phiên hội thảo chuyên đề hiến kế về nông nghiệp với chủ đề “Tạo lập và phát triển bền vững các chuỗi giá trị nông, lâm, thủy sản hội nhập quốc tế”, các ý kiến cho rằng liên kết trong chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa, dịch vụ là tất yếu, không thể thiếu của các thành viên, hộ dân và hộ cá thể. Đề cập giải pháp thúc đẩy kinh tế hợp tác, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Văn Thịnh kiến nghị cần sớm sửa Luật Hợp tác xã năm 2012, sửa Luật Đất đai để tháo gỡ nút thắt về tích tụ ruộng đất cho phát triển sản xuất nông nghiệp lớn, sớm xây dựng hệ sinh thái đồng bộ trong chuỗi liên kết…

Trong khi đó, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Xuân Trung cho rằng cần tăng cường vai trò của UBND các tỉnh, thành phố trong phát triển chuỗi, giám sát và hỗ trợ người dân tham gia chuỗi chặt chẽ hơn, có bảo hiểm giá, bảo hiểm rủi ro cho người tham gia, tránh tình trạng vùng quy mô nhưng không có nguyên liệu.

Ở phiên hội thảo chuyên đề hiến kế về “Chủ động khai thác có hiệu quả Hiệp định CPTPP để phát triển bứt phá”, theo Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang, vai trò của Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên - Môi trường là rất quan trọng vì nếu không thống nhất cán cân trong quy hoạch ngành, CPTPP sẽ không mang lại lợi ích. Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam đưa ra ba kiến nghị, đó là: Xây dựng quy hoạch phát triển ngành Dệt may tầm nhìn 2035-2040. Bộ Công Thương là trụ cột trong chiến lược xây dựng nền tảng phụ trợ với ngành Công nghiệp dệt may, da giày. Bên cạnh đó, cần có sự minh bạch để tạo ra nền tảng pháp lý.

Tại phiên hội thảo hiến kế về phát triển kinh tế số với chủ đề: “Hoàn thiện thể chế và các nền tảng phát triển kinh tế số tại Việt Nam”, Tổng Giám đốc ABB Việt Nam Brian Hull đề xuất: Nên tổ chức những cuộc thi hằng năm để tìm ra những nhà sản xuất tốt nhất, công nghệ, nhân lực giỏi nhất. Đây là cách để mọi người hiểu rằng công nghệ số đang hiện diện, những kỹ sư trẻ có cơ hội để nâng cao kinh nghiệm. Cùng với đó, tìm giải pháp thúc đẩy áp dụng công nghệ ở cả bộ phận doanh nghiệp vừa và nhỏ...

Còn theo Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam Phạm Thế Trường, việc phát triển kinh tế số đi kèm với những thách thức, đặc biệt là về an toàn thông tin. Ông Phạm Thế Trường khuyến nghị, cần có những biện pháp để bảo đảm sự an toàn cho người dân trong nền kinh tế số, trước những thách thức ngày càng gia tăng.

Trong khi đó, theo nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành (CEO) của Logivan - bà Linh Phạm, các start up ở Việt Nam gặp rào cản liên quan đến ngôn ngữ. Vì vậy, việc đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai ở Việt Nam là yếu tố quan trọng để start up vươn ra thế giới. Bên cạnh đó, cần đưa chương trình giảng dạy khởi nghiệp sáng tạo như là một môn học tại các trường đại học. Các ngân hàng cũng cần có chính sách tín dụng cho các nhà sáng lập để có thể hoạt động đến khi nhận được vốn từ các nhà đầu tư.

Khát vọng mãnh liệt

Hiện cả nước có khoảng 700.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động, trong đó hơn 98% là doanh nghiệp quy mô nhỏ, siêu nhỏ và vừa. Theo Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình, kinh tế tư nhân hiện chiếm 26% giá trị xuất khẩu, 34% giá trị nhập khẩu, đóng góp 32,26% ngân sách năm 2017 và 38,2% năm 2018.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu tham quan Triển lãm thành tựu kinh tế tư nhân. Ảnh: Nhật Nam


Phát biểu tại phiên toàn thể, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, kinh tế tư nhân nổi lên như một trong những động lực quan trọng, dẫn dắt sự tăng trưởng của nền kinh tế. Tuy nhiên, những kết quả đạt được vẫn còn thấp so với mức tiềm năng.

Tại diễn đàn, Thủ tướng nêu một số vấn đề có tính gợi mở. Theo Thủ tướng, nhóm vấn đề thứ nhất là làm thế nào để các doanh nghiệp Việt Nam đa phần có quy mô còn nhỏ, có thể vươn ra cạnh tranh quốc tế, có thương hiệu toàn cầu? Làm thế nào để hàng triệu hộ kinh doanh cá thể có thể mở rộng quy mô, chuyển sang mô hình doanh nghiệp nhằm phát huy lợi thế, tạo nhiều của cải hơn cho bản thân và xã hội? Đây là những vấn đề khó nhưng nếu có khát vọng, có sự đồng lòng và có quyết tâm cao, chúng ta sẽ thành công. Khát vọng vươn ra biển lớn, ứng dụng công nghệ hiện đại và đổi mới sáng tạo chính là chìa khóa huy động nguồn lực, nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo ra nhiều của cải cho xã hội.

Nhóm câu hỏi thứ hai, Thủ tướng nêu rõ, là làm sao có được đột phá thực sự ở các điểm nghẽn trong môi trường kinh doanh? Nhà nước, doanh nghiệp cần làm gì, với lộ trình ra sao...?

Trước đông đảo doanh nhân, Thủ tướng đã chia sẻ quan điểm về tinh thần doanh nghiệp, với 3 nội dung quan trọng. Thứ nhất là chí tiến thủ của doanh nghiệp, không bằng lòng với hoàn cảnh mà xông xáo tìm kiếm và nắm bắt cơ hội. Nỗ lực tìm kiếm công nghệ mới, thị trường mới, nguyên liệu mới, đổi mới tổ chức, đổi mới quản lý. Thứ hai, doanh nhân cần kinh doanh liêm chính, tìm kiếm lợi nhuận chân chính, doanh nhân có vai trò quan trọng trong công cuộc phòng, chống tham nhũng. Nội dung thứ ba là tinh thần yêu nước. Các doanh nghiệp tạo ra các sản phẩm, các thương hiệu nổi tiếng, cạnh tranh và xác lập tên tuổi trên thị trường thế giới là góp phần đưa hình ảnh đất nước sáng chói trên vũ đài quốc tế. Các doanh nghiệp cần đề cao triết lý kinh doanh vì xã hội, vì đất nước, vì tương lai dân tộc.

Thủ tướng cho rằng, kinh tế tư nhân Việt Nam mang trong mình khát vọng mãnh liệt vào tương lai. “Một khu vực tư nhân lớn mạnh, bền vững, bên cạnh khu vực doanh nghiệp nhà nước hiệu quả hơn, khu vực kinh tế hợp tác xã năng động hơn sẽ tạo ra một tương lai thịnh vượng, bền vững hơn cho nền kinh tế Việt Nam” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cho biết, sẽ tiếp tục tạo điều kiện, kiến tạo không gian, nguồn lực, cơ hội cho khu vực tư nhân phát triển thuận lợi hơn, với các “từ khóa”: “tạo bình đẳng” trong phát triển, được “bảo vệ”, “khích lệ” và “trao cơ hội”.

Thủ tướng cho rằng, nền kinh tế của Việt Nam có nhiều cơ hội cho các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ khởi nghiệp thành công. Nền kinh tế Việt Nam đủ lớn, năng động, hội nhập sâu, tốc độ phát triển nhanh. Việc Chính phủ phải làm là tạo nên một thể chế pháp luật, nhân lực, hạ tầng và thị trường để tạo điều kiện cho khởi nghiệp.

Nhóm phóng viên - TTXVN