Tạo điều kiện phát triển mô hình kinh doanh mới

Xe++ - Ngày đăng : 07:28, 04/05/2019

(HNM) - Bộ Thông tin và Truyền thông đang lấy ý kiến đóng góp của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân về dự thảo đề án chuyển đổi số quốc gia trên Cổng thông tin của Bộ tại địa chỉ www.mic.gov.vn.

Một buổi họp về dự thảo đề án chuyển đổi số quốc gia của Bộ Thông tin và Truyền thông.


Trong dự thảo đề án chuyển đổi số quốc gia (gọi tắt là dự thảo đề án), Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) nêu rõ, số hóa nền kinh tế là cuộc cách mạng chính sách, có thái độ tích cực về công nghệ và sáng tạo, chấp nhận những công nghệ mới và mô hình kinh doanh mới. Các cơ quan nhà nước có vai trò dẫn dắt, định hướng, có phương thức quản lý linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho chuyển đổi số. Trong những trường hợp có những mô hình mới tích cực xuất hiện mà chưa đủ cơ sở, thời gian để xây dựng chính sách, pháp luật điều chỉnh, thì xem xét sử dụng cách tiếp cận sandbox (cho thử nghiệm mô hình kinh doanh mới trong một không gian, thời gian nhất định trước khi ban hành chính sách quản lý).

Cùng với đó, Bộ TT-TT nêu tầm nhìn đến năm 2030 thực hiện chuyển đổi bứt phá để hướng tới một Việt Nam số. Trong đó, tận dụng sự tiến bộ, sáng tạo của công nghệ số để phát triển kinh tế - xã hội ổn định, thịnh vượng và bền vững. Mục tiêu cụ thể của đề án đến năm 2025, Việt Nam thuộc tốp 4 ASEAN về xếp hạng số hóa quốc gia và các mục tiêu cụ thể để thực hiện chuyển đổi số trong nền tảng kinh tế - xã hội, cơ quan nhà nước, phát triển lực lượng lao động số, hạ tầng số.

Quan điểm này cũng được Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng đề cập tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2019 (do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức hồi đầu năm). Theo Bộ trưởng TT-TT, số hóa nền kinh tế là một cuộc cách mạng về chính sách nhiều hơn là một cuộc cách mạng về công nghệ. Đầu tiên, phải chấp nhận các mô hình kinh doanh mới, chấp nhận những công nghệ mới làm thay đổi căn bản các ngành, gọi là X-Tech (giải pháp công nghệ kết nối thông minh), như Fintech (ứng dụng công nghệ trong ngành Tài chính), EduTech (ứng dụng công nghệ trong ngành Giáo dục), AgriTech (ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp)... thường là sự sáng tạo mang tính phá hủy cái cũ. Chấp nhận cái mới thì công nghệ mới của thế giới sẽ về, người tài trên toàn cầu sẽ về và nền công nghiệp mới sẽ xuất hiện, cái nôi Việt Nam sẽ tạo ra các sản phẩm công nghệ số xuất khẩu được...

Về phía các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, ông Nguyễn Hòa Bình, Tổng Giám đốc Nextech - doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước sớm áp dụng mô hình quản lý sandbox, nhất là với lĩnh vực trung gian thanh toán. Vì hiện nay, đang có tình trạng “bảo hộ ngược” khi một số trung gian thanh toán nước ngoài hoạt động không có giấy phép tại thị trường Việt Nam lại chưa bị quản lý. Trong khi đó, các trung gian thanh toán trong nước, muốn hoạt động phải trải qua quy trình cấp phép nghiêm ngặt của Ngân hàng Nhà nước.

Còn ông Nguyễn Thế Tân, Tổng Giám đốc VCCorp mong muốn Chính phủ sớm tạo cơ chế sandbox cho doanh nghiệp triển khai thử nghiệm trong không gian, thời gian nhất định, rồi quản lý, nhằm mục tiêu đưa ra chính sách nhanh hơn, thông thoáng hơn để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.

Với các tập đoàn lớn, theo ông Phạm Đức Long, Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT, VNPT đang bám sát đề án chuyển đổi số quốc gia để triển khai quá trình chuyển đổi số tại đơn vị. Hiện Tập đoàn VNPT đã đóng góp nhiều ý kiến với Chính phủ, với Bộ TT-TT trong quá trình xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số tại Việt Nam.

Ông Lê Đăng Dũng, Quyền Chủ tịch Tập đoàn Viettel kiến nghị, Chính phủ cần sớm ban hành chiến lược chuyển đổi số quốc gia, cụ thể là cần thiết ban hành các quy định pháp luật liên quan đến chia sẻ dữ liệu, thông tin... nhằm từng bước hoàn thiện thể chế thúc đẩy chuyển đổi số của Chính phủ, các tổ chức và doanh nghiệp.

Việt Nga