Tiễn đưa nhà lãnh đạo, vị tướng tài ba, đức độ về với đất mẹ

Chính trị - Ngày đăng : 06:35, 04/05/2019

(HNM) - Lễ viếng, Lễ truy điệu và Lễ an táng nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh đã được tổ chức trọng thể ngày 3-5. Đông đảo các tầng lớp nhân dân cả nước xúc động tiễn đưa một chiến sĩ cách mạng kiên cường, một vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước xuất sắc, một vị tướng tài ba, được đồng chí, đồng đội và nhân dân yêu mến về nơi an nghỉ cuối cùng tại Nghĩa trang thành phố Hồ Chí Minh.

Đông đảo các tầng lớp nhân dân Thủ đô vào viếng nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh.Ảnh: Viết Thành


Sáng sớm ngày 3-5, dù tiết trời Hà Nội có mưa nặng hạt nhưng đông đảo các tầng lớp nhân dân đã có mặt tại khu vực Nhà tang lễ quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông) với mong muốn được tiễn đưa nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh về nơi an nghỉ cuối cùng. Bà Mai Thị Nhật (79 tuổi, quận Hoàn Kiếm) đã được gặp gỡ đồng chí Lê Đức Anh cách đây gần 20 năm, nên khi biết tin Đại tướng qua đời, bà nhờ con cháu đưa đến nơi tổ chức lễ tang từ 6h30 để tiễn biệt Đại tướng lần cuối.

Từng có thời gian làm việc, gần gũi với Chủ tịch nước Lê Đức Anh trong giai đoạn 1992-1995, ông Lê Bá Cải, nguyên cán bộ Văn phòng Chính phủ cảm nhận sâu sắc, ở đồng chí Lê Đức Anh luôn toát lên phong thái rất bình dị, cởi mở, hòa đồng, là tấm gương tận tụy, hết mình vì dân, vì nước. Trong cương vị là Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, ông là một nhà cầm quân tài ba, quyết đoán và thường đưa ra các quyết định sáng suốt. Trong thời gian đảm nhiệm cương vị Chủ tịch nước, Đại tướng là người công minh, chính trực, có những đóng góp lớn cho hoạt động đối nội, đối ngoại của đất nước, đặc biệt là đóng góp lớn vào việc bình thường hóa quan hệ giữa Việt Nam với các nước lớn trên thế giới. “Nguyên Chủ tịch nước cũng luôn quan tâm đến công tác "Đền ơn đáp nghĩa" và đã đề xuất phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Ông thường căn dặn các cấp ủy, chính quyền phải hết sức chăm lo công tác này”, ông Lê Bá Cải xúc động nói.

Sau Lễ truy điệu, trên tuyến đường đoàn xe tang đi qua để đưa thi hài Đại tướng Lê Đức Anh rời Hà Nội vào thành phố Hồ Chí Minh, nhiều người dân Thủ đô đã đứng chờ rất lâu để tiễn biệt Đại tướng. Có mặt tại nhà công vụ số 5A Hoàng Diệu - nơi đồng chí Lê Đức Anh sinh sống, bà Phạm Thị Hồng Sim, Bí thư Chi bộ 9, phường Quán Thánh (quận Ba Đình) bùi ngùi khi nhắc về vị Đại tướng quyết đoán trên chiến trận nhưng hết sức hiền từ, giản dị trong đời thường. Bà Sim nhớ về thời kỳ Đại tướng làm Chủ tịch nước, dù bận trăm công nghìn việc, nhưng người đứng đầu Nhà nước vẫn dõi theo những bước đi và hoạt động hướng về nhân dân của từng địa phương, từng cơ quan, đơn vị. “Dù đã nghỉ hưu, tuổi cao sức yếu nhưng đồng chí Lê Đức Anh vẫn luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, quan tâm giúp đỡ chính quyền phường Quán Thánh làm tốt các nhiệm vụ chính trị. Đại tướng cũng rất mẫu mực, luôn nhắc nhở con cái không được vun vén tư lợi cho riêng mình, phải sống sao cho xứng đáng với phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ", bà Sim nói.

Sự ra đi của nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh còn để lại niềm tiếc thương vô hạn với thế hệ trẻ Thủ đô. Trong buổi sáng 3-5, hàng chục thành viên Câu lạc bộ Tình nguyện viên Thủ đô có mặt tại Nhà tang lễ quốc gia từ sớm để hỗ trợ các hoạt động trong lễ tang. Bạn Phạm Thị Ngọc Ánh (sinh viên Viện Đại học Mở Hà Nội) cho biết, dù sinh ra và lớn lên sau khi đồng chí Lê Đức Anh đã về nghỉ hưu nhưng bản thân có thể nhận thức đầy đủ những cống hiến to lớn của vị Đại tướng đáng kính trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc cũng như trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước. Theo Ngọc Ánh, dù trên cương vị nào, Đại tướng Lê Đức Anh cũng luôn thể hiện tầm nhìn sâu rộng, tư duy sắc sảo, bản lĩnh quyết đoán, dám làm, dám chịu trách nhiệm, xứng đáng được vinh danh là một trong những vị tướng tài ba của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.

Trong căn nhà của Đại tướng Lê Đức Anh ở quê hương, xã Lộc An, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên - Huế), nhiều người đến viếng đã xúc động khi xem lại những hình ảnh tư liệu về cuộc đời hoạt động của Đại tướng được treo trang trọng. Đó là những kỷ niệm đời thường bên đồng đội, hay những buổi trò chuyện với các vị nguyên thủ... Trong dòng người vào viếng Đại tướng, ngoài người thân và xóm giềng còn có những người ngoài địa phương cũng về thắp nén hương tiễn đưa Đại tướng về nơi an nghỉ cuối cùng. Ông Châu Văn Hồng (thị xã Hương Thủy) xúc động, Đại tướng có tấm lòng cao cả vì nước, vì dân. Đặc biệt, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước sau chiến tranh, Đại tướng có nhiều công lao to lớn.

Tham dự Lễ truy điệu Đại tướng tại Hội trường Thống Nhất (thành phố Hồ Chí Minh), Đại tá Nguyễn Văn Hanh (80 tuổi, nguyên Chính ủy Trung đoàn 10, Quân khu 9) bày tỏ lòng kính phục tài năng, đức độ của Đại tướng. Là cấp dưới cùng đơn vị, từng có điều kiện gặp gỡ trực tiếp Đại tướng, ông Hanh cảm phục ở Đại tướng Lê Đức Anh sự kiên cường, sáng suốt trong chỉ huy từ ngày đầu đến khi hoàn thành nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia. Sau này, ở cương vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Lê Đức Anh đã có quyết định táo bạo, sáng suốt là đề xuất cắt giảm 2/3 quân số bộ đội chủ lực. "Quân đội giảm biên chế, nhờ đó ngân sách giảm gánh nặng, có điều kiện tập trung phát triển kinh tế", ông Nguyễn Văn Hanh tâm đắc.

…Nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh đã về với đất mẹ, nhưng hình ảnh, những chiến công, tấm gương cả đời hy sinh vì nước, vì dân của ông sẽ còn sống mãi với non sông đất nước!

Nhóm phóng viên