Phát huy khả năng của nhóm lao động đặc thù

Đời sống - Ngày đăng : 07:24, 05/05/2019

(HNM) - Theo nghiên cứu của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam, nước ta sẽ mất khoảng 3% GDP mỗi năm, nếu không tận dụng được hết khả năng của người khuyết tật trong thị trường lao động.

Có việc làm giúp chị Trần Thị May, xã Thọ An (huyện Đan Phượng) và những người đồng cảnh ngộ tìm thấy ý nghĩa cuộc sống. Ảnh: Hà Hiền


Tìm thấy ý nghĩa cuộc sống

Học tập, lao động, rèn luyện luôn là môi trường tốt nhất để con người hoàn thiện bản thân. Người khuyết tật cũng vậy, khi chăm chỉ học tập và làm việc, họ sẽ có cơ hội phát huy tốt năng lực, sở trường, tìm thấy ý nghĩa trong cuộc sống.

Chị Lê Hương Giang, hội viên Hội Người mù quận Hoàng Mai là gương mặt quen thuộc với giới truyền thông và công chúng. Họ biết đến chị qua hai lần tham gia cuộc thi “Thách thức công nghệ thông tin với thanh niên khuyết tật toàn cầu”, là phóng viên chương trình “Niềm tin ánh sáng” của VOV Giao thông (Đài Tiếng nói Việt Nam), dẫn chương trình “Cuộc sống vẫn tươi đẹp” trên VTV4 (Đài Truyền hình Việt Nam) và nhiều chương trình khác. Chị Lê Hương Giang tâm sự: “Sự nỗ lực không ngừng của bản thân, cộng với sự động viên, khuyến khích của gia đình, cộng đồng là động lực giúp tôi gặt hái được những thành công bước đầu”.

Trường hợp khác tìm thấy niềm tin vào cuộc sống từ công việc là chị Trần Thị May, ở cụm 12, xã Thọ An (huyện Đan Phượng). Theo chị May, do bị khuyết tật vận động, suốt nhiều năm, chị thường sống trong tâm trạng hoài nghi với mọi thứ xung quanh, với chính bản thân. Cho đến một ngày, thấy nhiều người khuyết tật nặng hơn vẫn làm được những việc phi thường, chị May quyết tâm thay đổi. “Hoàn thành khóa học nghề may dành cho lao động nông thôn vào cuối năm 2017, tôi tìm được việc làm ở gần nhà, với mức thu nhập trung bình khoảng 4 triệu đồng/tháng. Số tiền này đủ để tôi trang trải cho những sinh hoạt thường nhật và có phần tích lũy”, chị May bộc bạch.

Sự quyết tâm cũng là động lực đưa anh Nguyễn Chiến Thắng, ở đường Lê Trọng Tấn, quận Thanh Xuân từ một người đa khuyết tật, trở thành người Việt Nam đầu tiên có bằng Microsoft do ông Bill Gates ký cùng nhiều giải thưởng danh giá. Với thành tích đáng nể, anh Nguyễn Chiến Thắng được Tập đoàn FPT mời về làm việc.

Ngoài những trường hợp nêu trên, hiện trên địa bàn thành phố Hà Nội và cả nước có khoảng 600.000 người khuyết tật còn khả năng lao động có việc làm. Không ít người đã thành danh, trở thành điểm tựa cho người đồng cảnh ngộ, truyền cảm hứng, nghị lực sống đến cộng đồng.

Tiếp tục hỗ trợ người khuyết tật

Giúp người khuyết tật vượt lên hoàn cảnh, ngoài các chính sách bảo trợ xã hội, Nhà nước và cộng đồng đã tạo điều kiện thuận lợi cho người khuyết tật tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi, học nghề, tìm việc làm. Theo ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), trung bình mỗi năm, cả nước có gần 20.000 người khuyết tật được hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm thông qua chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Ngoài ra, các hội, đoàn thể cũng tổ chức dạy nghề, tạo việc làm cho hàng nghìn người khuyết tật.

Tại Hà Nội, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội cùng các tổ chức nhân đạo, từ thiện của thành phố đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để hỗ trợ người khuyết tật học nghề, tìm việc làm. Ông Tạ Văn Thảo, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, từ đầu năm 2018 đến nay, trung tâm đã tổ chức hơn 10 phiên giao dịch việc làm lồng ghép và lưu động dành cho người khuyết tật, thu hút gần 100 doanh nghiệp, gần 1.000 lao động là người khuyết tật tham gia. Theo chị Dương Thị Hoa (bị khiếm thị), cử nhân chuyên ngành Công tác xã hội, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, khi tham gia phiên giao dịch việc làm diễn ra ngày 11-4-2019 tại địa chỉ 215 Trung Kính, chị thấy có thể làm được nhiều công việc. Sau quá trình phỏng vấn, chị đã được Công ty TNHH Thương mại và Điện tử Hoàng Tiến nhận vào làm việc.

Không những vậy, Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội còn chủ động kết nối với các đơn vị thực hiện những dự án cộng đồng nhằm tìm kiếm việc làm phù hợp cho người khuyết tật. Hằng năm, mạng lưới các cơ sở hội, chi hội về người khuyết tật của Hà Nội cũng hỗ trợ dạy nghề cho hàng nghìn lượt người. Tuy nhiên, các hình thức hỗ trợ đó vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, bởi theo thống kê của Ủy ban quốc gia về Người khuyết tật, nước ta còn hơn 1 triệu người trong độ tuổi lao động, có khả năng lao động vẫn chưa tham gia lao động. “Việt Nam sẽ mất khoảng 3% GDP mỗi năm, nếu không tận dụng hết khả năng của người khuyết tật trong thị trường lao động”, ông Chang-Hee Lee, Giám đốc ILO Việt Nam nhận định.

Để phát huy khả năng của nhóm lao động đặc thù này, ông Nguyễn Hồng Hà, Phó Chủ tịch Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội mong muốn các cơ quan chức năng xây dựng cơ sở dữ liệu về người khuyết tật, phân tích, đánh giá nhu cầu học nghề, việc làm của từng nhóm đối tượng, từ đó có chính sách hỗ trợ phù hợp, hiệu quả. Còn ông Đinh Nam Định, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Điện tử Hoàng Tiến kiến nghị Ủy ban quốc gia về Người khuyết tật phát động phong trào khuyến khích khởi nghiệp; thành lập quỹ phát triển doanh nghiệp hoặc trung tâm phát triển doanh nghiệp, tạo “giá đỡ” cho người khuyết tật vươn lên.

Ở cấp vĩ mô, nước ta vừa ký văn kiện phê chuẩn gia nhập Công ước số 159 của ILO về tái thích ứng nghề nghiệp và việc làm cho người khuyết tật. Đó chính là sự khẳng định mạnh mẽ cam kết của Việt Nam trong việc bảo đảm cho người khuyết tật không bị phân biệt đối xử về lao động, việc làm.

Minh Ngọc