Bài học lớn về huy động sức dân

Chính trị - Ngày đăng : 07:18, 05/05/2019

(HNM) - Cách đây 65 năm, ngày 7-5-1954, lá cờ


1. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”.

Với tinh thần ấy, cho đến trước khi Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra, quân dân ta đã có nhiều chiến dịch lớn, sức dân đã được huy động và phát huy. Đến chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, sức dân đã được huy động ở mức cao nhất. Quân dân ta ở khắp các địa phương trong cả nước, từ Tây Bắc, Liên khu 3, Tả ngạn, đến Bình Trị Thiên, Liên khu 5, Bắc Tây Nguyên, Sài Gòn - Gia Định, Nam Bộ… đều đẩy mạnh các hoạt động phối hợp, liên tiếp tiến công tiêu diệt nhiều sinh lực địch, giải phóng nhiều vùng đất đai và nhân dân, buộc thực dân Pháp phải phân tán lực lượng khắp nơi để đối phó. Các lực lượng thanh niên, phụ nữ từ thành thị đến nông thôn, từ vùng núi đến đồng bằng đều tích cực tham gia nhiều cuộc đấu tranh chính trị, phá tề trừ gian.

Theo đúng phương châm, kế hoạch tác chiến mới “đánh chắc, tiến chắc”, sau khi có sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, ngày 13-3-1954, quân ta nổ súng tiến công Điện Biên Phủ. Sau ba đợt tiến công, đến ngày 7-5-1954, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị tiêu diệt hoàn toàn. Nhìn chung, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra ở địa hình rừng núi hiểm trở, mạng lưới giao thông chiến lược hầu như chưa có; miền Tây Bắc mới được giải phóng, kinh tế chậm phát triển. Vì thế, bảo đảm vật chất hậu cần, y tế, kỹ thuật cho chiến dịch lớn, dài ngày gặp nhiều khó khăn.

Trước tình hình đó, Đảng ta đã phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hậu phương và tiền tuyến nhằm cung cấp đầy đủ, kịp thời mọi yêu cầu của bộ đội trong trận quyết chiến chiến lược. Với lực lượng hơn 10 vạn người (cả bộ đội, dân công và lực lượng khác), đường rừng núi lại xa từ 300km - 500km, nên tưởng như việc tiếp tế không thể thực hiện được. Nhưng với tinh thần “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, từ vùng tự do Việt Bắc, Liên khu 3, Liên khu 4, vùng mới giải phóng Tây Bắc cho đến vùng du kích, các khu căn cứ địa ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ, vùng Thượng Lào, tất cả đều dồn sức người, sức của cho Điện Biên Phủ. Tính chung trong chiến dịch, nhân dân đã “đóng góp 25.560 tấn gạo, 226 tấn muối, 1.909 tấn thực phẩm, 20.991 xe đạp thồ, 1.800 mảng nứa, 756 xe thô sơ, 914 con ngựa thồ và 3.130 chiếc thuyền”. Nhiều nơi, do địch đánh phá không làm kịp, để có lương thực kịp thời nuôi bộ đội, đồng bào thỏa thuận giao cả những rẫy lúa, nương ngô cho các đơn vị thu hoạch rồi sau ghi sổ báo lại. Nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn giã gạo vào cả ban đêm cho bộ đội - điều mà trước đó theo phong tục lâu đời rất kiêng kỵ. Tất cả yếu tố đó đã góp phần làm cho chiến dịch thắng lợi.

Sự huy động sức dân được Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá: “Chưa bao giờ trong suốt mấy năm kháng chiến, dân ta đã góp công sức nhiều như trong Đông Xuân 1953-1954… Bọn đế quốc... không bao giờ đánh giá được sức mạnh của cả một dân tộc, sức mạnh của nhân dân. Sức mạnh đó có thể khắc phục được tất cả mọi khó khăn, chiến thắng mọi kẻ địch”.

2. 65 năm trôi qua, nhưng việc phát huy những bài học được đúc kết từ lịch sử, đặc biệt là bài học phát huy sức dân của Chiến dịch Điện Biên Phủ vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước ngày nay vẫn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Nghị quyết số 25-NQ/TƯ ngày 3-6-2013 Hội nghị Trung ương 7 (khóa XI) về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”, đã nêu bật 5 quan điểm chỉ đạo, trong đó có quan điểm: “Động lực thúc đẩy phong trào nhân dân là phát huy quyền làm chủ, đáp ứng lợi ích thiết thực của nhân dân; kết hợp hài hòa các lợi ích; quyền lợi phải đi đôi với nghĩa vụ công dân; chú trọng lợi ích trực tiếp của người dân; huy động sức dân phải đi đôi với bồi dưỡng sức dân; những gì có lợi cho dân thì hết sức làm, những gì có hại cho dân thì hết sức tránh”. Tiếp đó, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức do Đảng lãnh đạo”.

Trên tinh thần đó, để phát huy bài học về huy động sức dân trong Chiến dịch Điện Biên Phủ cần triển khai thực hiện và cụ thể hóa các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, phát huy vai trò của nhân dân trong việc quyết định những vấn đề lớn của đất nước; bảo đảm tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân; bảo đảm hiệu quả thực chất hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, tạo sự đồng thuận xã hội; giải quyết hài hòa quan hệ lợi ích giữa các thành viên trong xã hội; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Các cấp ủy Đảng và chính quyền phải vì lợi ích của nhân dân thường xuyên đối thoại, lắng nghe, học hỏi, tiếp thu ý kiến, tin dân, tôn trọng, lắng nghe những ý kiến khác; tôn vinh những đóng góp, cống hiến của nhân dân.

Đồng thời với đó, phải xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân vững mạnh, làm hết sức mình phục vụ nhân dân, vì lợi ích chính đáng của nhân dân, thực hiện quyền dân chủ của nhân dân trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Ngăn chặn và xử lý nghiêm những biểu hiện quan liêu, tham nhũng, vi phạm dân chủ, sách nhiễu, ức hiếp nhân dân. Chỉ như thế mới phát huy được sức mạnh của “thế trận lòng dân” trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Nguyễn Ngọc Toán