Thủ tướng muốn nghe "tiếng nói từ trái tim, khối óc" của công nhân kỹ thuật cao

Chính trị - Ngày đăng : 09:58, 05/05/2019

Sáng 5-5, tại TP Hồ Chí Minh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có cuộc gặp gỡ, đối thoại lần đầu tiên với công nhân kỹ thuật cao về một vấn đề rất quan trọng “Công nhân lao động kỹ thuật cao - một động lực phát triển đất nước”.

Lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ đối thoại với công nhân kỹ thuật bậc cao. Ảnh: VGP/Quang Hiếu


Cuộc đối thoại có sự tham dự của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương.

Sự kiện diễn ra tại thành phố mang tên Bác đúng vào dịp kỷ niệm 129 năm Ngày sinh của Người và nhân Tháng công nhân 2019.

Ảnh: VGP/Quang Hiếu


Đây là lần thứ tư, Thủ tướng trực tiếp đối thoại với công nhân để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của công nhân nói chung và hôm nay, là công nhân kỹ thuật bậc cao nói riêng.

Khoảng 1.000 công nhân lao động từ 7 tỉnh, thành phố thuộc các vùng kinh tế trọng điểm của đất nước hội tụ tại TP Hồ Chí Minh để tham gia sự kiện này.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan triển lãm công nghệ cao. Ảnh: VGP/Quang Hiếu


Cuộc đối thoại xoay quanh 5 nhóm vấn đề chính: Những chính sách của doanh nghiệp đối với lực lượng công nhân kỹ thuật cao; những chính sách của địa phương trong việc phát triển nguồn nhân lực có kỹ thuật cao; đề xuất của công nhân, người lao động có kỹ thuật cao đối với Chính phủ trong việc ban hành những chính sách để tạo động lực phát triển bản thân; cần làm gì để những lao động bình thường trở thành công nhân kỹ thuật cao; tâm tư nguyện vọng của những công nhân có kỹ thuật cao để có thể đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển của doanh nghiệp, của địa phương và đất nước.

Ảnh: VGP/Quang Hiếu


Từ những ý kiến tại cuộc đối thoại, Chính phủ cùng các ban, bộ, ngành trung ương, chính quyền địa phương và doanh nghiệp sẽ có các giải pháp cụ thể để giải quyết những tâm tư, nguyện vọng và đề xuất của công nhân, lao động kỹ thuật cao.

Ảnh: VGP/Quang Hiếu


Trong dịp này, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ có những đề xuất để Chính phủ ban hành các chế độ, chính sách tạo động lực, hỗ trợ xây dựng và phát triển đội ngũ công nhân bậc cao trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, khi mà làm chủ kỹ thuật cao là đích hướng tới của người lao động, bởi trở thành công nhân kỹ thuật cao sẽ có cơ hội có thu nhập cao hơn, đóng góp tốt hơn vào sự phát triển của đất nước, địa phương, doanh nghiệp.

Thủ tướng nhận bản kiến nghị của công nhân kỹ thuật cao. Ảnh: VGP/Quang Hiếu


Phát biểu mở đầu cuộc đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn, các công nhân lao động mạnh dạn phát biểu, trao đổi thông tin cần thiết để “chúng tôi nghe được tiếng nói từ người lao động trực tiếp có tay nghề cao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất thời gian qua để hình thành cơ chế, chính sách pháp luật”.

Ảnh: VGP/Quang Hiếu


Theo Thủ tướng, phát triển đất nước không chỉ dựa vào vốn, lao động giá rẻ mà cần dựa vào năng suất lao động, khoa học công nghệ. Vậy ai thực hiện điều đó, chính là lực lượng lao động kỹ thuật cao. “Vậy điều kiện sống, làm việc, môi trường học tập, rèn luyện kỹ năng, tay nghề của các bạn như thế nào? Những tâm tư, nguyện vọng của các bạn ra sao?”, Thủ tướng bày tỏ, các bộ, cơ quan, địa phương, doanh nghiệp, trường học rất muốn nghe ý kiến của công nhân, nhất là hiến kế, đề xuất cơ chế, chính sách với Chính phủ để Việt Nam có một đội ngũ công nhân bậc cao, yếu tố quyết định đến năng suất lao động.

Ảnh: VGP/Quang Hiếu


Tiếp nhập bản tổng hợp kiến nghị của công nhân từ Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (với 43 kiến nghị thuộc 7 nhóm vấn đề), Thủ tướng cho rằng, đây là bản kiến nghị “nặng ký”, nhiều vấn đề, nhưng đây mới chỉ là văn bản. Thủ tướng mong muốn nghe “tiếng nói từ trái tim, khối óc" của người lao động kỹ thuật cao.

Theo Đức Tuân/Chính phủ