Giám sát chặt để tránh "sự đã rồi"

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:31, 06/05/2019

(HNM) - Từ cuối tháng 4-2019 đến nay xuất hiện một số thông tin đáng chú ý về di tích nói riêng và di sản văn hóa nói chung, từ đó đặt ra yêu cầu xem xét, đánh giá công tác quản lý, bảo tồn di sản.


Đầu tiên là thông tin về công trình xây dựng trái phép tại chùa Bối Khê (huyện Thanh Oai, Hà Nội), tuy chưa đến mức “bức tử di tích” như đã xảy ra với chùa Trăm Gian (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) cách nay 6 năm nhưng vẫn là hành vi vi phạm nghiêm trọng quy định hiện hành, làm ảnh hưởng tới tính toàn vẹn của di sản.

Vụ thứ hai, liên quan đến chất lượng công tác lưu giữ, bảo quản bảo vật quốc gia tại Bảo tàng Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh khi bức tranh sơn mài “Vườn xuân Trung Nam Bắc” của danh họa Nguyễn Gia Trí bị hư hại một phần do việc vệ sinh bức tranh không được thực hiện đúng quy trình, kỹ thuật cần thiết…

Những vụ việc đáng tiếc diễn ra trong bối cảnh chúng ta đã có bài học “không thể đắt giá hơn” qua việc bảo quản, tu bổ không đúng cách, không đúng quy trình, quy định đối với nhiều di tích như: Chùa Trăm Gian, đình Lương Xá (Hà Nội), đình Ngọ Xá (Bắc Giang), đền Lành Giang (Hà Nam), tháp Bình Thạch (Tây Ninh)...

Di vật, bảo vật bị mất trộm, bị hư hỏng do bảo quản không đúng cách là điều đã xảy ra tại nhiều di tích quan trọng như: Lăng Tự Đức (thành phố Huế), đình Yên Việt (Bắc Ninh), chùa Ngô Xá (Nam Định), đình Thới Luông (Cần Thơ), chùa Tây Phương (Hà Nội)…

Di tích, hiện vật trong di tích và bảo tàng bị xuống cấp, bị xâm hại không chỉ do yếu tố thời tiết, khí hậu, thời gian, mà đáng tiếc còn do việc tu bổ, chống xuống cấp không được thực hiện đúng quy định, quy trình, nguyên tắc cơ bản. Những vụ việc đau xót đã xảy ra cho thấy công tác giám sát việc bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, bảo vệ hiện vật trong các di tích và bảo tàng cần được thực hiện thường xuyên; việc xử lý vi phạm cần phải bảo đảm đúng luật định, rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể liên quan và bảo đảm tính răn đe.

Bảo quản, tu bổ di tích được thực hiện dựa trên nguyên tắc cơ bản là bảo đảm tính nguyên gốc, dựa trên cơ sở khoa học chứ không thể tùy hứng. Nguyên tắc là vậy nhưng thực tế có thể khác, do nhiều nguyên nhân. Đầu tiên, cũng là quan trọng và dễ thấy nhất là do ý thức tuân thủ quy định còn hạn chế của chủ đầu tư, nhận thức không đúng của chính quyền cơ sở và ban quản lý di tích về nguyên tắc bảo tồn di sản. Hiện nay, việc quản lý di sản đã được phân cấp cụ thể, theo đó, thường là cấp tỉnh/thành phố quản lý trực tiếp những di tích quan trọng, số còn lại (chiếm đa số) được giao quyền quản lý cho quận, huyện, phường, xã.

Các phòng văn hóa - thông tin làm nhiệm vụ tham mưu cho chính quyền địa phương về nội dung kế hoạch quản lý, xây dựng phương án tu bổ di tích cụ thể để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trong thực tế, trong một số trường hợp, ban quản lý di tích viện lý do chống xuống cấp khẩn cấp nên tự ý tiến hành tu bổ mà không làm thủ tục xin phép hoặc không tuân thủ quy trình, quy định trong quá trình tu bổ, thậm chí tiến hành hạ giải, thay/xây mới một phần hoặc toàn bộ di tích. Những trường hợp tiến hành tu bổ tùy hứng, theo kiểu “có tiền thì cứ làm thôi”, thường là gây hậu quả nghiêm trọng.

Kho tàng di sản văn hóa Việt Nam đồ sộ, đa dạng, đem lại niềm tự hào, là nguồn tài nguyên quý giá phục vụ quá trình phát triển đất nước, nhưng cũng đặt ra thách thức về công tác quản lý, bảo tồn. Bảo vật và di tích cấp quốc gia, di sản thế giới được chú ý nhiều hơn nên sai sót sẽ được hạn chế. Nhưng với những di tích thuộc quyền quản lý của chính quyền cơ sở thì khác, cần phải có biện pháp giám sát, kiểm tra thường xuyên nhằm phát hiện nguy cơ xâm hại di sản, hành vi “tự ý tu bổ” cũng như hạn chế sai sót trong quá trình thực hiện dự án tu bổ đã được phê duyệt.

Điều quan trọng nhất là tạo cơ chế giám sát tổng hợp với sự tham gia của cơ quan quản lý về văn hóa, nhà khoa học, chính quyền địa phương, và nhất là huy động sự tham gia của nhân dân tại nơi có di tích. Cơ sở cho việc giám sát công tác bảo tồn di tích là các điều luật về di sản văn hóa; Nghị định số 166/2018/NĐ-CP (năm 2018) của Chính phủ “Quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; Thông tư số 18/2012/TT-BVHTTDL (năm 2012) của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch “Quy định chi tiết một số quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích”…

Một di tích bị xâm hại, không còn yếu tố gốc có thể vĩnh viễn mất đi giá trị vốn có, không cách nào lấy lại được. Bởi vậy, hiệu quả bảo tồn di sản phụ thuộc vào việc có phát hiện sớm nguy cơ và kịp thời ngăn chặn được hành vi xâm hại hay không; nói cách khác là phụ thuộc phần lớn vào công tác kiểm tra, giám sát việc quản lý, bảo tồn tại cơ sở.

Làm tốt điều đó thì mới tránh được "sự đã rồi"!

Hoàng Ngân