Xây dựng mô hình hợp tác xã tiên tiến
Kinh tế - Ngày đăng : 07:07, 06/05/2019
Hiện trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh có nhiều mô hình kinh tế tập thể (hợp tác xã) thu hút được nhiều người dân tham gia, đặc biệt là nông dân. Điển hình, tại Hợp tác xã Hoa lan Huyền Thoại (huyện Củ Chi), hiện có nhiều nông dân muốn nộp đơn gia nhập.
Bà Trịnh Nguyễn Anh Thư, xã viên Hợp tác xã Hoa lan Huyền Thoại cho biết: “Hợp tác xã mang lại nhiều lợi ích cho các thành viên. Nhờ đó, chúng tôi có sự gắn kết, cùng quyết tâm phát triển hợp tác xã theo hướng cánh đồng mẫu lớn, áp dụng công nghệ cao gắn với mục tiêu xuất khẩu”.
Qua 30 năm phát triển, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) đã trở thành một trong những liên hiệp hợp tác xã mạnh nhất nước ta. Doanh thu hiện nay của Saigon Co.op đạt 30.000 tỷ đồng/năm, tăng gấp 30.000 lần so với khi thành lập năm 1989. Hiện tại, Saigon Co.op có tổng cộng 700 siêu thị và cửa hàng bán lẻ, hơn 18.000 nhân viên và thu hút hơn 1 triệu lượt khách mua sắm mỗi ngày.
Ông Lê Anh Đức, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op chia sẻ: “Chúng tôi tiếp tục đổi mới để phát huy sức mạnh của mô hình hợp tác xã. Năm 2019, Saigon Co.op sẽ tập trung định hướng chuyên phát triển mảng bán lẻ thực phẩm, đồng thời phát triển hệ thống bán lẻ hiện đại và mở rộng dịch vụ chăm sóc khách hàng. Hiện chúng tôi có 7 mô hình bán lẻ khác nhau, thời gian tới sẽ phát triển thêm 3 mô hình bán lẻ mới”.
Thành phố Hồ Chí Minh hiện có 456 hợp tác xã với 110 hợp tác xã thương mại - dịch vụ, khoảng 70 hợp tác xã nông nghiệp, số còn lại là các hợp tác xã công nghiệp, giao thông - vận tải, môi trường, giáo dục. Trong năm 2019, thành phố đặt mục tiêu phát triển thêm 50 hợp tác xã và 1 liên hiệp hợp tác xã.
Để hoàn thành mục tiêu trên, thành phố Hồ Chí Minh sẽ tập trung nâng cao trình độ quản lý, điều hành cho đội ngũ cán bộ hợp tác xã (hiện tỷ lệ cán bộ quản lý hợp tác xã có trình độ đại học trở lên đạt trên 45%); tuyên truyền để xã viên hợp tác xã thay đổi cách làm kinh tế, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và tăng cường hợp tác để phát triển bền vững.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Các hợp tác xã cũng phải năng động trong việc xây dựng kế hoạch sản xuất. Họ cần kết nối với nhau để bàn bạc lịch nuôi trồng, thu hoạch, cung ứng sản phẩm đến hệ thống phân phối sao cho luôn có sản lượng hàng hóa ổn định ra thị trường”.
Cũng để giúp nông dân, chính quyền thành phố giao cho Saigon Co.op trọng trách hỗ trợ hệ thống hợp tác xã phát triển, đặc biệt là các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp. Ông Nguyễn Nhật Trường, Trưởng bộ phận thu mua nông sản Saigon Co.op cho biết: “Tính đến nay đã có hơn 17 hợp đồng thương mại giữa Saigon Co.op ký với các hợp tác xã, doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh để tạo nguồn hàng ổn định cho thị trường thành phố”.
Đặc biệt, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã đưa ra các giải pháp triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ, ưu đãi phát triển kinh tế tập thể. Cụ thể, năm 2019, thành phố sẽ hỗ trợ vốn cho 64.000 lượt thành viên hợp tác xã với tổng nguồn kinh phí khoảng 1.600 tỷ đồng. Cùng với đó là triển khai chương trình xúc tiến thương mại cho các hợp tác xã; chương trình quảng bá thương hiệu, sản phẩm.
Các hợp tác xã có sản phẩm xuất khẩu sẽ được hỗ trợ tham gia các hội chợ triển lãm để tìm kiếm thị trường; đồng thời, hỗ trợ các hợp tác xã đẩy mạnh hoạt động giao dịch thương mại điện tử để đáp ứng xu hướng tiêu dùng hiện đại.