Nghe lại những ca khúc bất hủ về Chiến thắng Điện Biên Phủ

Văn hóa - Ngày đăng : 11:09, 07/05/2019

(HNMO) - Theo chân những người lính tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, có không ít những nhạc sĩ cũng ra trận và đã sáng tác những ca khúc bất hủ, góp phần cổ vũ tinh thần của quân và dân ta thời điểm đó.


Theo chân những người lính tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, có không ít những nhạc sĩ cũng ra trận và đã sáng tác những ca khúc bất hủ, góp phần cổ vũ tinh thần của quân, dân ta thời điểm đó và giúp chiến thắng sống mãi trong lòng người dân Việt Nam.

Chiến thắng Điện Biên Phủ vào ngày 7-5-1954 "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".


1. Giải phóng Điện Biên - nhạc sĩ Đỗ Nhuận

Ca khúc luôn được vang lên vào mỗi dịp kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Xuất xứ ra đời của “Giải phóng Điện Biên” đã được nhạc sĩ Đỗ Nhuận ghi chép trong hồi ký “Âm thanh cuộc đời” như sau:

“Ngày 7-5-1954, chúng tôi đang cuốc, rải đá, thì vào buổi chiều, một đồng chí liên lạc từ mặt trận đạp xe qua, reo to: “Mường Thanh địch hàng rồi! Giải phóng Điện Biên rồi!”. Tất cả đoàn văn công ngừng tay cuốc, ôm nhau nhảy không cần nhạc đệm… Tôi lại đàn, lại hát. Đêm hôm đó, tôi ngồi viết bên bếp nhà sàn đỏ lửa, thâu đêm, suốt sáng. Tay búng chiếc violin, mồm cứ y ỷ, sợ làm ồn anh em mất ngủ. Có mấy củ sắn lùi trong bếp than để bồi dưỡng đêm, tôi vừa viết, vừa bóc sắn ăn”.



Ca khúc “Giải phóng Điện Biên” đã ra đời từ đó, đến nay vẫn trở thành “tượng đài” bằng âm thanh, một bản hùng ca bất hủ gắn với chiến dịch giải phóng Điện Biên. Ca khúc này cũng được chọn làm nhạc hiệu chính thức hằng ngày của Đài Tiếng nói Việt Nam.

2. Trên đồi Him Lam - nhạc sĩ Đỗ Nhuận


Cùng với ca khúc “Giải phóng Điện Biên”, ca khúc “Trên đồi Him Lam” được nhạc sĩ Đỗ Nhuận viết trong giai đoạn quân và dân ta thực hiện Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Khi Chiến dịch Điện Biên Phủ chính thức bắt đầu, mở màn bằng trận Him Lam vào chiều muộn ngày 13-3-1954, chỉ sau 5 giờ chiến đấu, ta đã chiếm được cứ điểm này, tiêu diệt và bắt sống hơn 500 địch quân, hoàn toàn làm chủ cứ điểm Him Lam.


Giữa trận địa còn ngổn ngang xác pháo, xác địch, nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã sáng tác ca khúc “Trên đồi Him Lam”. Bài hát hừng hực khí thế chiến đấu, không chỉ thể hiện ý chí "Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh" của Bộ đội Cụ Hồ mà còn thể hiện khát vọng chiến thắng, khát vọng hòa bình, cổ vũ mạnh mẽ tinh thần yêu nước của quân và dân ta.

"Hôm qua đánh trận Điện Biên. Chiến hào xuất kích đồi Him Lam ta tiến quân vào. Đột phá tiêm đao tiến đánh vào. Đi mở đường thắng lợi, ba tháng đổ mồ hôi ta tới đây quyết diệt cho hết quân thù...".

3. Hành quân xa - nhạc sĩ Đỗ Nhuận

“Hành quân xa dẫu có nhiều gian khổ. Vai vác nặng ta đã đổ mồ hôi… Chí căm thù bởi bọn thực dân nó áp bức. Đời chúng ta đâu có giặc là ta cứ đi…”. Những câu hát trong bài “Hành quân xa” đến nay vẫn còn nguyên giá trị, tôn thêm niềm tự hào dân tộc của quân và dân ta khi đồng lòng, đồng tâm thực hiện Chiến dịch Điện Biên Phủ.


Cùng với hai ca khúc “Giải phóng Điện Biên”, “Trên đồi Him Lam” thì “Hành quân xa” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận là ca khúc tiêu biểu đã phản ánh chân thực cuộc chiến tranh chính nghĩa, hào hùng của dân tộc ta.



Bài hát được ông sáng tác trong hoàn cảnh rất đặc biệt. Một lần, ông cùng các chiến sĩ hành quân từ huyện Đại Từ (tỉnh Thái Nguyên) qua đèo Khế đến Thượng Bằng La (Yên Bái). Hành quân ngày đêm nhưng đoàn quân cũng chưa biết địa điểm tập kết ở đâu.

Thế rồi, nghỉ giữa chặng đường hành quân, các anh cùng bàn luận, phán đoán ý đồ tác chiến của cấp trên. Một đồng chí đứng lên hô vang: “Thôi, không cần thắc mắc! Đời chúng ta, đâu có giặc là ta cứ đi”. Câu nói đó trở thành gợi ý để nhạc sĩ Đỗ Nhuận phát triển và sáng tác ca khúc “Hành quân xa” - một bản hành khúc cho người lính trong những năm dài kháng chiến. Bài hát với ca từ giản dị, tự nhiên, ngắn gọn, dễ thuộc nhưng vô cùng sâu sắc.

4. Hò kéo pháo - nhạc sĩ Hoàng Vân

"Hò kéo pháo" là bài hát của nhạc sĩ Hoàng Vân, ra đời trong hoàn cảnh khá đặc biệt. Khi đó, nhạc sĩ Hoàng Vân là một chàng trai Hà Nội ngoài 20 tuổi, được lên Điện Biên tham gia kháng chiến. 

Trong chuyến đi thực tế, Hoàng Vân được quan sát, tiếp cận với cuộc sống và tinh thần chiến đấu của nhân dân ta ở Điện Biên, đặc biệt là hình ảnh các chiến sĩ, đồng đội của mình kéo những khẩu pháo khổng lồ dù vai ướt đẫm sương đêm nhưng vẫn nắm chắc tay không buông rời, quyết tâm bảo vệ pháo.



Nhạc sĩ Hoàng Vân từng kể lại, đêm đêm theo tiếng hò “dô ta nào, hai ba nào...”, tiếng mõ tre cốc cốc làm hiệu lệnh dưới ánh trăng, hàng trăm chiến sĩ mặc áo trấn thủ, đội mũ nan cúi rạp người, choãi chân, những bắp tay rắn chắc bám vào dây chão, dây mây, dây song để kéo pháo… Tất cả những hình ảnh, những âm thanh đó đã tạo nên một bức tranh hùng vĩ, một không khí náo nhiệt hừng hực khí thế quyết tâm làm vang động cả núi rừng Điện Biên.

Chứng kiến những gian nan vất vả của bộ đội ngày đêm đưa những cỗ pháo nặng hàng tấn vượt qua dốc núi, nhạc sĩ Hoàng Vân đã viết ca khúc “Hò kéo pháo” với những lời ca cháy bỏng: "Hò dô ta nào kéo pháo ta vượt qua đèo/Hò dô ta nào kéo pháo ta vượt qua núi. Dốc núi cao cao nhưng lòng quyết tâm còn cao hơn núi. Vực sâu thăm thẳm, vực nào sâu bằng chí căm thù…”.

5. Qua miền Tây Bắc - nhạc sĩ Nguyễn Thành

Nhạc sĩ Nguyễn Thành viết nhạc phẩm “Qua miền Tây Bắc” trước khi có Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ca khúc đầy chất thơ nhưng cũng rất hiện thực đã nói lên tấm lòng yêu nước nồng nàn của chiến sĩ ta. Nguyễn Thành đã sáng tác “Qua miền Tây Bắc” ở đỉnh đèo Khâu Vác, đó là cửa ngõ vào Điện Biên Phủ.



Để có một tác phẩm như thế, tác giả đã ba lần cùng các đồng đội hành quân qua miền Tây Bắc. Trong ca khúc “Qua miền Tây Bắc”, tác giả đã ghi lại những tình cảm nồng nhiệt cùng tấm lòng rất chân thật, tình nghĩa đối với Tây Bắc cũng như sự quyết tâm, đồng lòng, đồng sức của quân và dân ta trong chiến dịch giải phóng Điện Biên: "Qua miền Tây Bắc, núi vút ngàn trùng xa/Suối sâu đèo cao, bao khó khăn ta vượt qua/Bộ đội ta vâng lệnh Cha già/Về đây giải phóng quê nhà/Đất nước miền Tây Bắc đau thương từ bao lâu dưới ách loài giặc tàn ác/Quân với dân một lòng không phân biệt xuôi ngược/Cùng đồng tâm tiêu diệt hết quân thù".

Hoàng Lân (tổng hợp)