53 tỉnh, thành sử dụng “Sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em”

Xã hội - Ngày đăng : 15:52, 08/05/2019

(HNMO) - Sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em được triển khai thí điểm đầu tiên vào năm 1998 tại Bến Tre, đến nay cả nước có 53 tỉnh, thành phố triển khai.


Theo Vụ Sức khỏe bà mẹ-trẻ em (Bộ Y tế), "Sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em" là cuốn sổ, công cụ để theo dõi, chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh cho bà mẹ và trẻ em liên tục từ khi mang thai đến khi trẻ được 6 tuổi.

Sổ này tích hợp đầy đủ các công cụ theo dõi sức khỏe khác, như: Sổ/phiếu khám thai, sổ y bạ (sổ khám bệnh) của bà mẹ trong thời gian mang thai và của trẻ em, phiếu/sổ tiêm chủng, biểu đồ tăng trưởng, sổ khám và theo dõi sức khỏe định kỳ của trẻ.



Ngoài những phần dành cho cán bộ y tế ghi, sổ còn dành cho gia đình những trang tự ghi chép quá trình phát triển của trẻ, cung cấp những thông tin cần thiết cho gia đình về chăm sóc phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ.

Sổ được đánh giá là có nhiều lợi ích, như là cuốn nhật ký chứa đầy tình mẫu tử, vì ghi lại đầy đủ quá trình phát triển của trẻ từ khi được mẹ mang nặng đẻ đau cho đến lúc 6 tuổi; đồng thời tiết kiệm kinh phí nhiều lần so với dùng sổ khám chữa bệnh thông thường.

Vụ Sức khỏe bà mẹ-trẻ em (Bộ Y tế) cho biết, sổ này được triển khai thí điểm đầu tiên vào năm 1998 tại Bến Tre, đến nay trên cả nước đã có 53 tỉnh, thành phố triển khai sử dụng. Các tỉnh còn lại do những thay đổi trong hệ thống quản lý tuyến tỉnh nên kế hoạch triển khai vẫn chưa đi vào thực hiện.

Phần lớn các tỉnh, thành này đã sử dụng sổ trên quy mô toàn địa phương. Một số tỉnh đang thực hiện triển khai sổ với quy mô từng bước mở rộng từ một số huyện, xã và tiến tới quy mô toàn tỉnh trong thời gian tới.

Mục tiêu đặt ra đến năm 2020, 63/63 tỉnh, thành phố trên cả nước triển khai sử dụng sổ này.

Song song với việc duy trì sổ giấy, Bộ Y tế sẽ triển khai số hóa Sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Đây là một phần không thể tách rời của hồ sơ quản lý sức khỏe toàn dân.

Hương Thủy