Nhiều dư địa xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Đông Âu
Kinh tế - Ngày đăng : 16:38, 08/05/2019
Phiên thảo luận thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia, doanh nghiệp. (Ảnh: Hứa Chung/TTXVN) |
Tại Diễn đàn Thương mại Việt Nam-Đông Âu: Thúc đẩy xuất khẩu nông sản, dệt may và da giày Việt Nam vào các nước Đông Âu trong tình hình mới do Bộ Công Thương tổ chức ở thành phố Hồ Chí Minh ngày 8-5, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho rằng, còn rất nhiều cơ hội, nhiều dư địa cho tăng trưởng thương mại giữa Việt Nam và các nước khu vực Đông Âu trong thời gian tới.
Theo ông Hoàng Quốc Vượng, thị trường các nước khu vực Đông Âu từ lâu vốn là thị trường xuất khẩu truyền thống, quan trọng của hàng hóa Việt Nam.
Giữa Việt Nam và các nước khu vực Đông Âu đã hình thành các thiết chế, khung khổ pháp lý vững chắc để phát triển hợp tác song phương, bao gồm 14 Ủy ban liên Chính phủ, một cơ chế Tham vấn hợp tác kinh tế song phương giữa Việt Nam và Ba Lan và một Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á-Âu (bao gồm Nga, Belarus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgyzstan).
Bên cạnh đó, trong khu vực Đông Âu có 8 quốc gia đã gia nhập Liên minh châu Âu (EU) cũng góp phần quan trọng trong tổng kim ngạch của Việt Nam với khối EU. Đặc biệt, Việt Nam và EU đã kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và đang trong quá trình hoàn tất các thủ tục để tiến tới ký kết và phê chuẩn hiệp định.
Tuy vậy, ông Vượng cho rằng, tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam với các nước khu vực Đông Âu còn khá khiêm tốn. Trong năm 2018, kim ngạch hai bên chỉ đạt 10,1 tỷ USD, tương ứng với 2,65% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam là chưa tương xứng với tiềm năng hợp tác giữa các bên.
Trong thời gian tới, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với Liên minh châu Âu và Liên minh kinh tế Á-Âu sẽ góp phần quan trọng trong việc xóa bỏ các hàng rào thương mại, thúc đẩy hợp tác thương mại, công nghiệp và đầu tư giữa Việt Nam với các nước châu Âu nói chung, khu vực Đông Âu nói riêng.
Đặc biệt là những mặt hàng như thủy sản, rau quả tươi và chế biến, hàng điện tử và linh kiện điện tử, dệt may và da giày… sẽ có nhiều cơ hội xuất khẩu hơn nữa vào thị trường này.
“Việc tham gia các FTA đặt ra yêu cầu các doanh nghiệp Việt Nam phải không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa thị trường, mặt hàng xuất khẩu. Từ đó, nâng cao tính độc lập tự chủ của nền kinh tế trong bối cảnh tình hình thế giới đang có nhiều biến động. Đây là điều kiện quan trọng để nâng cao trình độ phát triển, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước, tăng năng suất lao động, giảm dần tỷ lệ gia công, tập trung sản xuất các mặt hàng có giá trị gia tăng cao”, ông Vượng nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Khánh Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ thuộc Bộ Công Thương, cũng cho biết, thị trường các nước khu vực Đông Âu còn nhiều tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt thúc đẩy xuất khẩu trong thời gian tới. Bởi lẽ, đây là thị trường có mức phát triển GDP trung bình tương đối cao và các mặt hàng tiêu dùng ở đây không có nhiều tiêu chuẩn khắt khe như các nước Tây Âu.
Tuy vậy, hiện xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của Việt Nam sang thị trường này còn chưa ổn định. Đặc biệt là đối với mặt hàng gạo, thủy sản và chè là những mặt hàng các doanh nghiệp Việt Nam cần nghiên cứu cải thiện chất lượng sản phẩm, tuyên truyền quảng bá… để thâm nhập tốt hơn vào các thị trường này.
Tại diễn đàn, ông Dmitry Makarov, Cơ quan đại diện thương mại Liên bang Nga tại Việt Nam, chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh cho biết, các doanh nghiệp Việt cần chú ý đến những diễn biến của thị trường Nga, nhất là xu hướng tiêu dùng của người dân Nga.
Theo ông Dmitry Makarov, người Nga hiện không còn muốn mua hàng với thương hiệu nổi tiếng (nhất là mặt hàng may mặc và da giầy) nhưng cũng không muốn mua hàng “No name” (không có thương hiệu)...