Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Thanh Hóa cần tập trung vào 5 trụ cột tăng trưởng

Chính trị - Ngày đăng : 22:54, 08/05/2019

Tối 8-5, tại Quảng trường Lam Sơn, tỉnh Thanh Hóa long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa (1029-2019). Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ tham dự buổi lễ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với các đại biểu dự Lễ kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN


Cùng dự có các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các bộ, ngành trung ương và một số địa phương; lãnh đạo tỉnh Hủa Phăn, CHDCND Lào cùng các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Lão thành cách mạng, các nhà khoa học, lịch sử và đông đảo nhân dân tỉnh Thanh Hóa.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng đến dự Lễ Kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa, coi đây là dịp tìm về cội nguồn và tiếp tục khẳng định, phát huy những thành quả dựng nước, giữ nước cùng dân tộc của vùng đất, con người Thanh Hóa trong tiến trình lịch sử dân tộc.

Ôn lại truyền thống đặc sắc của vùng đất xứ Thanh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Xứ Thanh là một trong những cái nôi của những giá trị văn hóa phi vật thể của người Việt và của đồng bào các dân tộc thiểu số với hàng nghìn di tích chứa đựng những giá trị văn hóa quý giá và đặc sắc, tiêu biểu. Thanh Hóa cũng là vùng đất “địa linh, nhân kiệt”, nơi phát tích của nhiều triều đại phong kiến Việt Nam (Tiền Lê, Hậu Lê, nhà Hồ, nhà Nguyễn)".

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, Thanh Hóa luôn giữ vai trò trọng yếu cả về chính trị, quân sự, kinh tế và văn hóa; là vùng đất “phên dậu”, “một vùng đất căn bản”, “đất bản triều”. Các thế hệ người dân Thanh Hóa luôn cần cù, sáng tạo trong lao động, anh dũng, quật cường trong chiến đấu, góp phần cùng cả nước lập nên những chiến công hiển hách, ghi vào lịch sử dân tộc những trang vàng chói lọi.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Thanh Hóa được xem là Thủ đô văn hóa kháng chiến, huy động nhiều sức người, sức của, góp phần cùng cả nước làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhiều tên đất, tên làng của xứ Thanh đã đi vào lịch sử như những khúc tráng ca bất tử cùng Tổ quốc và dân tộc, mãi mãi như một biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng như: Hàm Rồng, Nam Ngạn, Yên Vực, Đông Sơn, Đồi C4, Phà Ghép, Đò Lèn.

Ghi nhận những bước tiến vượt bậc, toàn diện của Thanh Hóa những năm gần đây và sự vươn mình trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa - xã hội lớn mạnh của khu vực Bắc Trung bộ nói riêng và cả nước nói chung, Thủ tướng chỉ rõ: "Đất nước đang bước vào giai đoạn phát triển mới với nhiều thuận lợi nhưng cũng đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Tăng trưởng nhanh, bền vững gắn với nâng cao đời sống của người dân là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của các ngành, các cấp, đặc biệt là đối với các địa phương. Là tỉnh có vị trí địa kinh tế, điều kiện tự nhiên, xã hội rất thuận lợi và đặc biệt là đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ trong thời gian qua, Thanh Hóa cần không ngừng nâng cao tiềm lực và sức cạnh tranh, phát triển nhanh hơn, bền vững hơn để trở thành một tỉnh giàu mạnh, văn minh". 

Thủ tướng gợi mở, để phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa cần tập trung vào 5 trụ cột tăng trưởng để có chiến lược thúc đẩy phát triển, tăng cường thu hút đầu tư, gồm: Công nghiệp chế biến - chế tạo, du lịch, nông nghiệp, y tế, đô thị hóa và cơ sở hạ tầng với trọng tâm là Khu kinh tế trọng điểm Nghi Sơn.

Thanh Hóa phải tiếp tục tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng lớn, có tác động đến phát triển kinh tế - xã hội như: Đường ven biển, đường cao tốc, các dự án hạ tầng về du lịch, hàng không cảng biển; nghiên cứu, có cơ chế, chính sách mới, hấp dẫn nhằm tăng cường thu hút nguồn lực đầu tư hạ tầng quan trọng.

Bên cạnh đó, Thanh Hóa cần tăng cường chuyển dịch cơ cấu lao động gắn với đào tạo nghề và chuyển đổi nghề để cung cấp lao động có trình độ, tay nghề phù hợp cho các ngành công nghiệp và dịch vụ, đặc biệt là Khu kinh tế Nghi Sơn, các khu công nghiệp và khu du lịch, phát triển kinh tế biển. Tiếp tục cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh cấp tỉnh, phấn đấu đến năm 2020 Thanh Hóa phải là địa phương đứng trong tốp đầu của 15 tỉnh, thành của cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Theo báo cáo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa, nhiều năm nay, cấp ủy, chính quyền tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức nhiều công trình nghiên cứu, tìm kiếm tư liệu lịch sử, các cuộc hội thảo khoa học cấp ngành, cấp tỉnh, với sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà sử học, nhà nghiên cứu hàng đầu trong cả nước, từ đó thống nhất dấu mốc lịch sử năm 1029 là năm xuất hiện tên gọi Thanh Hóa - tức làm năm Thiên Thành thứ 2, đời vua Lý Thái Tông. Từ khi Thanh Hóa được chính thức định danh cho đến nay là vừa tròn 990 năm.

Quang cảnh lễ kỷ niệm. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN


Miền đất xứ Thanh trong lịch sử luôn là vị trí địa - chiến lược, địa - chính trị, địa - văn hóa quan trọng của Việt Nam. Vùng đất này cũng là nơi sinh ra nhiều bậc đế vương, văn nhân, võ tướng, là một trong những cái nôi của các giá trị văn hóa phi vật thể của người Việt và đồng bào các dân tộc thiểu số. Trong bất kỳ giai đoạn lịch sử nào, đất và người xứ Thanh cũng ghi dấu ấn đậm nét.

Trong tiến trình lịch sử dân tộc, con người xứ Thanh luôn tỏ rõ sự can trường, bản lĩnh và trí tuệ để đóng góp cho sự phát triển của dân tộc. Từ Bà Triệu khởi binh chống lại ách đô hộ của nhà Đông Ngô đến Dương Đình Nghệ đánh đuổi quân xâm lược Nam Hán; Lê Hoàn - người khai sáng nhà Tiền Lê; Lê Lợi từ hội thề Lũng Nhai, khởi nghĩa Lam Sơn đánh đuổi giặc Minh, mở ra một thời kỳ thịnh trị của quốc gia Đại Việt; là khởi nghĩa Ba Đình thời kỳ Cần Vương chống Pháp. Thanh Hóa cũng là nơi phát tích của nhà Nguyễn, chúa Trịnh...

Lịch sử hiện đại của Việt Nam cũng ghi nhiều chiến công, những đóng góp to lớn của đất và người Thanh Hóa. Trong chiến tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Thanh Hóa luôn là hậu phương lớn, đóng góp nhiều sức người, sức của cho chiến trường miền Nam. Nhiều người con ưu tú của tỉnh Thanh đã hy sinh xương máu cho độc lập, thống nhất. Ngày nay, nhiều người Thanh Hóa có mặt ở các vùng của đất nước, tiếp tục có nhiều đóng góp cho Tổ quốc Việt Nam. Nhiều người thành danh đã tô thắm thêm truyền thống của quê hương.

Thanh Hóa hôm nay đang nỗ lực, đột phá trên nhiều lĩnh vực. Năm 2018 và những tháng đầu năm 2019, hầu hết các lĩnh vực đều có sự phát triển đột phá. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2018 đạt 15,16%, đứng thứ 3 cả nước và quý I-2019 đạt tới 24,8%; tổng thu ngân sách nhà nước năm 2018 đạt gần 23.500 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần năm 2015 và gấp gần 6 lần năm 2010.

Khu kinh tế Nghi Sơn thực sự đã trở thành đầu tàu kinh tế, cùng với khu vực Lam Sơn - Sao Vàng, Thành phố Thanh Hóa, thành phố Sầm Sơn, thị xã Bỉm Sơn đã và đang trở thành động lực quan trọng thúc đẩy nền kinh tế của tỉnh đạt tốc độ tăng trưởng cao trong giai đoạn tới.

Ngay sau Lễ kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa là chương trình nghệ thuật đặc sắc mang tên “Tỏa sáng cùng non sông đất nước”. Chương trình nghệ thuật được dàn dựng chuyên nghiệp và hiện đại chia làm 3 chương gồm: “Địa linh nhân kiệt”, “Truyền thống Anh hùng”, “Hội nhập phát triển” với mục đích làm nổi bật vùng đất và con người xứ Thanh.

Chương trình có sự tham gia của gần 500 nghệ sỹ, diễn viên đến từ Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam, Nhà hát Ca múa kịch Lam Sơn, Trung tâm huấn luyện và thi đấu Thể dục Thể thao tỉnh Thanh Hóa… và sự góp mặt của các ca sỹ được yêu thích như: Trọng Tấn, Anh Thơ, Huyền Trang, Lê Anh Dũng… Chương trình được truyền hình trực tiếp trên kênh sóng của Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Phát thanh, Tuyền hình Thanh Hóa.

Trong chuyến thăm và làm việc tại Thanh Hóa, sáng 8-5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đến tham quan triển lãm “Thanh Hóa xưa và nay”. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao chất lượng cũng như số lượng những hình ảnh, hiện vật, tư liệu được trưng bày tại triển lãm lần này.

Thủ tướng nhắc nhở, triển lãm “Thanh Hóa xưa và nay” là dịp để mỗi người dân Thanh Hóa nhớ về nguồn cội, tri ân với các thế hệ đi trước, tự hào về bề dày truyền thống của vùng đất “địa linh nhân kiệt” trong dòng chảy lịch sử dân tộc, để từ đó càng nhận thức sâu sắc hơn trách nhiệm của mình, trân trọng, giữ gìn, phát huy những giá trị lịch sử vô giá mà cha ông đã gây dựng, trao truyền; từ đó tích cực đóng góp công sức, trí tuệ để góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển giàu mạnh.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị tỉnh Thanh Hóa cần có biện pháp để lưu giữ những hình ảnh, tư liệu, tài liệu, hiện vật về “Thanh Hóa xưa và nay” trong hệ thống bảo tồn, bảo tàng và tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu trên mạng internet, để quảng bá, giới thiệu về “Thanh Hóa xưa và nay” đến với bạn bè trong nước, quốc tế.

Theo Hoa Mai (TTXVN)