Vì bình yên sông nước
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:32, 09/05/2019
Những tồn tại "năm này qua năm khác" đã được chỉ ra là phương tiện đường thủy không có đăng ký, không đăng kiểm, trong khi người lái không có bằng cấp và chứng chỉ chuyên môn, thậm chí nhiều bến đò không có giấy phép vẫn công khai... hoạt động "chui"...
Thực trạng này cho thấy, ngành chức năng, chính quyền địa phương vẫn chưa làm tròn trách nhiệm của mình, nhất là công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát ở một số nơi còn buông lỏng, thiếu sâu sát. Đáng nói, chủ phương tiện vì lợi nhuận đã xem thường sự an toàn của hành khách, hành nghề bất hợp pháp. Người dân cũng chủ quan, "đặt cược" mạng sống bản thân trên những phương tiện thiếu an toàn.
Một mùa mưa bão nữa đã cận kề. Vấn đề bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa lại có không ít câu hỏi được đặt ra. Phải chăng, chỉ khi tai nạn đáng tiếc xảy ra, chúng ta mới giật mình về những nguy cơ vốn đã tồn tại từ lâu? Và sự thật, nhìn vào thực trạng công tác này hiện nay, hẳn ai cũng thấy: Nguy cơ tai nạn vẫn đang thường trực!
Với tính cấp bách của vấn đề, việc trước mắt cũng như quan trọng nhất hiện nay là phải nâng cao ý thức người tham gia giao thông và người điều khiển phương tiện thủy. Muốn vậy, các cấp, ngành chức năng cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền và hướng dẫn người dân thực hiện các quy định của pháp luật về giao thông đường thủy bằng những hình thức, biện pháp sát thực, cụ thể, phù hợp với từng đối tượng và dân trí từng nơi. Việc này cần thực hiện thường xuyên, liên tục và lâu dài, tránh tình trạng "đánh trống bỏ dùi", ra quân rầm rộ một thời gian rồi "đâu lại vào đấy"...
Những việc cụ thể hơn phải thực hiện là: Người điều khiển phương tiện, người chủ phương tiện thủy cần tuyệt đối chấp hành Luật Giao thông đường thủy nội địa, nhất là các quy tắc giao thông, quy định an toàn; phương tiện, trang thiết bị phải bảo đảm đủ điều kiện quy định. Đối với người dân, khi sử dụng phương tiện thủy nội địa, phải lựa chọn phương tiện đủ tiêu chuẩn; khi phát hiện phương tiện không bảo đảm an toàn lưu thông thì không sử dụng và báo ngay cho chính quyền hoặc cơ quan chức năng để kịp thời xử lý.
Các cấp chính quyền và ngành chức năng cũng cần tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa. Trước hết, cần tiếp tục rà soát, đề xuất bổ sung hoàn thiện các quy định pháp luật về giao thông đường thủy nội địa, về công tác quản lý nhà nước ở địa phương.
Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm không chỉ tập trung ở một số địa bàn, nhóm đối tượng và trong thời gian cao điểm mà phải thực hiện toàn diện, thường xuyên, bảo đảm tính răn đe; trong đó cần xử lý triệt để các "bến thổ phỉ", phương tiện chưa đăng ký, cũ nát vẫn lưu hành, người điều khiển không có chứng chỉ hành nghề... Đồng thời xử lý nghiêm hiện tượng lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường thủy; khai thác cát, sỏi trái phép làm thay đổi dòng chảy, uy hiếp an toàn hạ tầng giao thông đường thủy...
Các địa phương, nhất là chính quyền nơi có bến đò, bến phà cần thường xuyên kiểm tra, rà soát những người điều khiển phương tiện thủy tải trọng nhỏ để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, cấp bằng lái, chứng chỉ hành nghề theo đúng quy định.
Hơn bao giờ hết, ngay lúc này, các cấp, ngành và mỗi người dân cần khơi dậy, lan tỏa tinh thần của “văn hóa giao thông với bình yên sông nước”, nhân rộng những mô hình tốt, vì an toàn của mỗi người, của xã hội.