Văn hóa gia đình là “gốc” của văn hóa làng, nước

Xã hội - Ngày đăng : 11:01, 09/05/2019

(HNMCT) - Hiện nay, quan hệ giữa các thế hệ, giữa các thành viên trong gia đình không còn chặt chẽ như trước, cũng luôn tiềm ẩn khả năng không bền vững, vì vậy, phải nỗ lực chấn hưng văn hóa gia đình.


- Từ xưa đến nay, gia đình luôn có vị trí đặc biệt trong trái tim mỗi con người. Gia đình là nơi có những người ruột thịt, thân thiết nhất, đồng cảm và chia sẻ vui buồn; là nơi mỗi thành viên bộc lộ rõ nhất những ưu điểm cũng như những hạn chế của mình... Nhưng hiện nay gia đình lại luôn là chủ đề “nóng”, đề tài “nóng”!

- Đó thực sự là một vấn đề xã hội lớn chứ không còn là chuyện trong một hay một số gia đình cụ thể. Không phải là “chuyện nhà hàng xóm” mà có thể một ngày nào đó sẽ là chuyện nhà mình. Xưa nay vẫn nói “gia đình là tổ ấm” nhưng đáng buồn là đã xảy ra rất nhiều chuyện khiến không ít cái “tổ” bị “nguội”, “lạnh” hoặc “nóng”, “cháy”!

- Ấy chỉ là chuyện của số ít gia đình, còn nói chung thì chưa đến mức nghiêm trọng như nhiều người vẫn nói, thưa ông?

- Rất nhiều người đang nhìn nhận, suy nghĩ như vậy. Nhưng như thế là né tránh sự thật. Sự nghiêm trọng không phải đến mức cao điểm là xô xát, đổ vỡ mà phải được nhìn nhận ngay khi những điều đó chưa xảy ra!

- Ông có thể phân tích cụ thể hơn?

- Hiện nay, điều mà người ta quan tâm nhất là quan hệ giữa các thế hệ, giữa các thành viên trong gia đình không còn chặt chẽ như trước, cũng luôn tiềm ẩn khả năng không bền vững. Như vậy có phải là nghiêm trọng? Phải coi là nghiêm trọng thực sự, như dây cháy chậm đã bắt lửa...

- Nói như thế cũng có nghĩa là phải xem xét vấn đề văn hóa gia đình một cách nghiêm túc và thực sự phải bắt tay vào việc chấn hưng văn hóa gia đình?

- Chính xác! Phải chấn hưng văn hóa gia đình vì chúng ta đã để trôi qua một thời gian rất dài. Xin lưu ý thêm: Không bao giờ nên nói là “đã đến lúc”, mà thực tế là chúng ta đã rất chậm, đừng để đến khi quá muộn thì mong muốn tháo gỡ vấn đề sẽ rất khó đạt được. Đặt ra vấn đề chấn hưng văn hóa gia đình vào lúc này không phải là sớm, không bao giờ là sớm!

- Nhưng đó là một vấn đề rất lớn mà chỉ các gia đình thì không thể thực hiện được mà phải có tác động, hỗ trợ từ cộng đồng xã hội. Tuy nhiên, không dễ tác động vào các gia đình vì mỗi gia đình là một “khoảng trời riêng” với đặc điểm, nhu cầu, xu hướng... rất khác nhau.

- Khó, nhưng phải làm vì đó là vấn đề chung của toàn xã hội. Việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình và triển khai thí điểm thực hiện trong 2 năm 2018 - 2019 tại một số tỉnh, thành phố chính là hướng vào mục tiêu đó.

- Tuy nhiên, khác với việc các bộ quy tắc ứng xử được thực hiện ở cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, việc “áp” quy định ứng xử vào gia đình không dễ vì rất nhiều lý do, cả chủ quan và khách quan.

- Chắc chắn là không dễ vì dù là quy định thì cũng phải do các gia đình tự giác thực hiện. Các nội dung trong bộ tiêu chí thực ra vẫn là những vấn đề muôn thuở trong các gia đình như tôn trọng, bình đẳng, yêu thương và chia sẻ lẫn nhau. Gia đình Việt từ xưa luôn thể hiện rõ những tính chất (phẩm chất) ấy nên việc “áp” các quy định này chính là để nhắc nhở các thành viên gia đình duy trì và phát huy những phẩm chất tốt đẹp để chấn hưng văn hóa gia đình, cùng các gia đình xây dựng và giữ gìn “tổ ấm”.

- Vậy thì trong các gia đình, những “khuôn phép” cũ có còn tác dụng?


- Tác dụng hay không, tác dụng đến đâu, là do nỗ lực của các thành viên, nhất là những bậc cao niên ở vị trí ông bà, cha mẹ trong gia đình, cùng với đó là ý thức của con cháu. Ông bà, cha mẹ vẫn phải là những tấm gương sáng, thực hiện giáo dục văn hóa gia đình chủ yếu bằng cách nêu gương. Dạy trẻ nhỏ biết “vâng”, “dạ”, biết “chào”, “thưa”, “xin phép”, “cảm ơn”, “xin lỗi”... chính là từng bước học “lễ”, hình thành thói quen rồi thành tính cách, nhân cách nhờ sự giáo dục của gia đình. Sau này, có thêm sự giáo dục của nhà trường và nỗ lực tự giáo dục trong môi trường xã hội thì càng trưởng thành, trở thành người có phẩm chất tốt, có khả năng lao động để nuôi sống bản thân, giúp đỡ gia đình và góp phần xây dựng xã hội.

Đặc thù của giáo dục trong gia đình chủ yếu thực hiện bằng cách nêu gương. Ông bà, cha mẹ mẫu mực để làm gương cho con cháu noi theo. Giáo dục bằng lời nói răn dạy chỉ là phụ trợ.

- Trong ba nhân tố: Gia đình - nhà trường - xã hội ở nước ta trong giai đoạn hiện nay, theo ông vai trò gia đình có gì thay đổi, khi văn hóa gia đình Việt Nam đã có những biến đổi lớn, có mặt tích cực và có cả mặt tiêu cực?

- Gia đình là nền tảng, là chốn đi về, là nơi để yêu thương, đó là điều quý giá nhất luôn cần các thành viên chung tay vun đắp. Còn gì giá trị hơn một gia đình hạnh phúc? Dù rằng văn hóa gia đình đã có những biến đổi lớn trong thời hiện đại nhưng đó vẫn luôn là “gốc” của văn hóa làng, nước. Gia đình là cái nôi giáo dục đầu đời, hình thành nền tảng đạo đức cơ bản để sau này trẻ tiếp tục học tập, rèn luyện trong trường học và xã hội, có “đức, trí, thể, mỹ”, trở thành người tự lập và hữu ích. Chấn hưng, củng cố được văn hóa gia đình thì có cơ sở vững chắc để giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa làng, văn hóa dân tộc. Vì thế, mọi gia đình và toàn xã hội phải chăm lo thật tốt cho cuộc sống gia đình và văn hóa gia đình.

- Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Hảo Nguyễn