Người cao tuổi có nên ăn chay trường?
Sức khỏe - Ngày đăng : 11:26, 09/05/2019
Nguyễn Thị Hoa (67 tuổi ở quận Hoàng Mai, Hà Nội)
Đáp: Ăn chay là chế độ ăn gồm những thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật như rau, củ, quả, các loại hạt... Ăn chay có nhiều chất xơ và có nhiều tác dụng đối với sức khỏe. Chất xơ trong thực phẩm chay giúp chống táo bón, giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, giảm cholesterol... Ngoài ra, trong khẩu phần ăn chay vẫn có đủ thành phần các nhóm thực phẩm như chất đạm, chất béo..., đặc biệt là nhóm vitamin và muối khoáng. Hơn nữa, các chất đạm, chất béo có nguồn gốc thực vật, khi ăn rất dễ tiêu hóa, ăn thấy no nhưng cảm giác người rất nhẹ nhõm. Do đó, nhiều người cao tuổi đã lựa chọn việc ăn chay.
Hiện nay, số người ăn chay và ăn chay trường ngày càng nhiều hơn. Tuy nhiên, chế độ ăn chay cũng có hạn chế, đặc biệt là ăn chay trường. Bởi vì thực phẩm ăn chay chủ yếu dựa vào ngũ cốc, rau quả, củ và các loại hạt nên cơ thể thường bị thiếu một số chất khoáng như sắt, kẽm, canxi, vitamin B12... Khi thiếu hụt một số vitamin và khoáng chất này, cơ thể dễ có nguy cơ thiếu máu. Chính vì vậy, khi ăn chay cần bổ sung thêm các chất đó để bù đắp sự thiếu hụt của thực phẩm. Và mỗi người chỉ nên ăn chay 1-2 lần/tuần. Người cao tuổi không nên ăn chay triền miên. Với người cao tuổi có mắc bệnh mạn tính nào đó thì chỉ nên ăn chay một hai tuần trong tháng hoặc mỗi tuần 2 ngày cho cơ thể nhẹ nhàng.
Do người cao tuổi thường khó hấp thụ dưỡng chất, vì thế ăn chay trường không phải là liệu pháp an toàn cho sức khỏe. Người cao tuổi cần một số chất dinh dưỡng được bổ sung từ thức ăn có nguồn gốc động vật để duy trì sức khỏe. Người cao tuổi nên sử dụng sữa và các chế phẩm từ sữa như fomat, phô mai để cung cấp đủ lượng chất đạm, canxi cần thiết cho cơ thể. Thậm chí, ngay cả với người trưởng thành, thanh niên, trung niên cũng không quá lạm dụng việc ăn chay. Ăn chay nhưng vẫn cần bảo đảm đủ năng lượng để làm việc, không để tình trạng cơ thể thiếu chất dẫn tới suy kiệt.