Ứng dụng mạng Zalo giữ gìn vệ sinh môi trường: Hiệu quả “kép”
Công nghệ - Ngày đăng : 06:26, 10/05/2019
Đoàn viên thanh niên quận Thanh Xuân tham gia vệ sinh môi trường sau khi tiếp nhận phản ánh qua mạng xã hội Zalo. |
Cách làm hiệu quả
Có mặt tại tuyến phố Hồ Đắc Di vào sáng thứ bảy, chúng tôi thấy nhiều phụ nữ vừa quét dọn vệ sinh môi trường ngõ, phố, thỉnh thoảng lại dùng điện thoại thông minh chụp và gửi những hình ảnh đẹp hoặc chưa đẹp về “Nhóm phụ nữ tuyên truyền vệ sinh môi trường qua mạng Zalo”. Chị Nguyễn Thị Loan, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ phường Nam Đồng (quận Đống Đa) cho hay: Từ khi tham gia nhóm, việc gìn giữ vệ sinh môi trường của Hội phát huy hiệu quả, thiết thực, với hơn 100 hình ảnh đẹp và chưa đẹp về ý thức bảo vệ môi trường, cùng những đoạn video được các hội viên chụp, gửi về UBND phường và Hội Liên hiệp phụ nữ quận.
Vào các buổi chiều thứ bảy, chủ nhật, trong khi tại ký túc xá Mễ Trì (phường Thanh Xuân Bắc - quận Thanh Xuân), một số thành viên Hội Phụ nữ phường nêu gương và cùng các sinh viên làm sạch vệ sinh môi trường quanh khu vực, thì tại ngã tư Lê Văn Lương - Hoàng Đạo Thúy (phường Nhân Chính), một nhóm cán bộ Hội Phụ nữ phường và người dân đang quét dọn vệ sinh đường phố. Bà Nguyễn Hồng Lam, một người dân cho biết: Tại đây từng tồn tại "chân rác" nhiều năm, chúng tôi cứ dọn xong lại tái diễn, nay nhờ có nhóm Zalo kịp thời phát hiện, phường cử cán bộ cùng tổ dân phố giám sát, tuyên truyền, vận động, nhắc nhở khiến người vi phạm hiểu ra, có ý thức giữ vệ sinh môi trường, không còn đổ rác tùy tiện nữa.
Bà Nguyễn Lan Hương, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ quận Đống Đa cho biết: Trên địa bàn 21 phường tồn tại 28 “chân rác” do nhiều hộ dân mang tập kết. Những đống rác tồn tại vài tiếng, thậm chí lưu cữu cả ngày, trong suốt khoảng thời gian đến giờ công nhân đi thu gom rác mới được dọn. Nhưng kể từ tháng 3-2018, “Nhóm phụ nữ tuyên truyền vệ sinh môi trường qua mạng Zalo” của quận ra đời, toàn bộ các “chân rác” này được xóa bỏ và lực lượng chức năng phối hợp giám sát, hễ phát hiện ai đó mang rác ra đổ liền nhắc nhở, ngăn chặn kịp thời.
Còn tại quận Thanh Xuân, ông Lê Hồng Thắng, Giám đốc Ban Quản lý Đầu tư xây dựng quận Thanh Xuân cho biết: “Quận sử dụng nhóm Zalo như một kênh thông tin cập nhật, phản ánh tồn tại trong công tác vệ sinh môi trường trên toàn địa bàn quận. Nhóm kết nối trao đổi thông tin giữa các cơ quan, các phường, kịp thời cập nhật thông tin để duy trì vệ sinh môi trường từng ngõ, ngách. Kết quả, chúng tôi chỉ đạo xóa được 200/200 điểm rác do những người thiếu ý thức tùy tiện đổ sai quy định".
Trên thực tế, hơn một năm qua, Sở Xây dựng Hà Nội đã sử dụng nhóm Zalo “Đôn đốc vệ sinh môi trường” như một kênh thông tin phụ để cập nhật, phản ánh, đôn đốc các vị trí mất vệ sinh trên địa bàn Thủ đô. Nhóm hiện có hơn 100 thành viên gồm cán bộ sở và UBND các quận, huyện, thị xã nhằm kịp thời cập nhật công tác vệ sinh môi trường từng địa phương. Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng Hà Nội) Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: Dù vẫn đang trong quá trình thử nghiệm, nhưng chúng tôi ghi nhận tính thiết thực, hiệu quả của mô hình này. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng tái phạm do cơ chế phối hợp và chế tài xử phạt chưa đầy đủ.
Cần sớm nhân rộng
Qua ý kiến nhiều thành viên nhóm Zalo “Đôn đốc vệ sinh môi trường”, mô hình này phù hợp với định hướng sử dụng công nghệ trong công tác quản lý duy trì vệ sinh môi trường. Kết quả nổi bật và hữu ích của nhóm Zalo mang lại rõ nét nhất là hàng trăm "chân rác" được xóa bỏ. Đồng thời, tại các địa phương có các nhóm Zalo hoạt động, ý thức cán bộ và từng người dân về bảo vệ môi trường được nâng lên, giảm hẳn tình trạng xả rác tùy tiện, tập kết rác không đúng nơi quy định.
Nhờ ứng dụng mạng xã hội Zalo, nhiều “điểm nóng” gây ô nhiễm đã được xóa bỏ, ý thức giữ gìn môi trường của người dân được nâng cao. Ảnh: Sơn Hà |
Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng Hà Nội) Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, nhằm tăng cường hiệu quả công tác của nhóm này, Sở Xây dựng đang đẩy mạnh sự phối hợp trên tinh thần Văn bản số 8793/SXD-HT ngày 27-8-2018 giữa Sở Xây dựng với Sở Thông tin và Truyền thông để hướng dẫn UBND quận, huyện, thị xã cũng như các đơn vị triển khai thực hiện nhóm Zalo, thậm chí cả Viber,… nhằm lan tỏa cách làm này, hướng tới mục tiêu, đồng thời là hiệu quả “kép”: Xóa các điểm tập kết rác, ngăn chặn việc tái phạm gắn với nâng cao trách nhiệm cán bộ và nhận thức của nhân dân về giữ gìn vệ sinh môi trường.
Tuy nhiên, theo ông Hùng, để đạt được mục tiêu này, cần sự vào cuộc đồng bộ, trách nhiệm cao hơn nữa của các thành viên nhóm Zalo. Đồng thời, Sở Thông tin và Truyền thông cần nghiên cứu, đề xuất báo cáo UBND thành phố và có hướng dẫn quy chế quản lý, sử dụng các phần mềm ứng dụng (Zalo, Viber,...) cho các sở, ngành, quận, huyện, thị xã, đơn vị trong công tác quản lý, trao đổi thông tin bảo đảm quy định. Trao đổi với các nhà mạng cung cấp dịch vụ về giải pháp bảo đảm kỹ thuật (hoặc giải pháp xây dựng mạng riêng cho Hà Nội nói chung và lĩnh vực vệ sinh môi trường nói riêng) nhằm bảo đảm thống nhất, tăng tính kết nối, thông tin thông suốt, thuận lợi, góp phần quan trọng giữ cho môi trường Thủ đô sạch, đẹp bền vững.