Chủ động kiểm soát lạm phát

Xã hội - Ngày đăng : 06:39, 12/05/2019

(HNM) - Diễn biến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong 4 tháng qua, nhất là tháng 4-2019 cho thấy sự đan xen giữa các yếu tố thuận lợi và bất lợi. Trong đó, việc tăng giá xăng và giá điện là tác nhân đẩy CPI tăng.

Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê, thành viên Ban Chỉ đạo điều hành giá Nguyễn Bích Lâm.


Nằm trong kịch bản điều hành giá

- Ông đánh giá thế nào về diễn biến của CPI từ đầu năm đến nay? Các yếu tố thuận lợi và bất lợi là gì, thưa ông?

- CPI của 4 tháng qua biến động theo đúng quy luật tiêu dùng hằng năm là tăng cao vào hai tháng đầu năm vì đúng thời điểm Tết Nguyên đán và giảm trong tháng 3, rồi tăng trở lại khi bước vào tháng 4. Giá mặt hàng thiết yếu trên thế giới tăng, cùng với việc điều chỉnh giá điện cũng là các yếu tố khiến chỉ số CPI của 4 tháng tăng. Tuy nhiên, tính bình quân 4 tháng năm 2019, CPI tăng 2,71% so với cùng kỳ năm 2018, là mức tăng thấp nhất trong cùng kỳ 3 năm gần đây. Nhìn chung, diễn biến CPI từ đầu năm đến nay vẫn trong kịch bản dự báo.

- Quốc hội đã đặt mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2019 dưới 4%. Vậy, các giải pháp, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, bộ, ngành, địa phương thời gian qua và kết quả đã đạt được như thế nào, thưa ông?

- Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, ngày 1-1-2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019; trong đó có mục tiêu là tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân năm 2019 dưới 4%.

Từng quý hoặc đột xuất, Ban Chỉ đạo điều hành giá do Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ làm Trưởng ban đều họp đánh giá kết quả công tác điều hành giá, kiểm soát lạm phát và đưa ra các kịch bản lạm phát các tháng còn lại để chủ động điều hành giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý vào các thời điểm phù hợp nhằm hạn chế lạm phát.

Cụ thể, các bộ, ngành đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan đầu mối là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong công tác tính toán, dự báo, xây dựng kịch bản chi tiết, cụ thể cho từng thời điểm, từng giai đoạn đối với các mặt hàng thiết yếu nhằm bảo đảm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư tính toán, cân đối chính sách kinh tế vĩ mô, điều hành theo hướng gắn kết mục tiêu tăng trưởng với vấn đề kiểm soát lạm phát để kịp thời đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp thực hiện hiệu quả.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai đồng bộ các biện pháp điều hành giá theo kịch bản đã được phê duyệt. Cùng với đó là đẩy mạnh kiểm tra thực hiện pháp luật về giá, kiểm soát chặt chẽ việc kê khai giá. Kết quả, đến nay tình hình lạm phát vẫn được chủ động khống chế.

- Hiện, tâm lý xã hội đang lo ngại về việc giá xăng tăng liên tiếp. Phải chăng, kịch bản đối phó với việc tăng giá xăng dầu chưa tính hết tình huống này?

- Xăng dầu là mặt hàng chiến lược, chịu ảnh hưởng và biến động khó lường của yếu tố chính trị và kinh tế quốc tế. Nắm rõ đặc trưng này, Tổng cục Thống kê đã chủ động xây dựng các kịch bản tăng giá xăng dầu trong kịch bản điều hành và kiểm soát lạm phát.

Cụ thể, giá nhiên liệu trên thị trường thế giới trong 4 tháng qua tăng khá mạnh, bình quân từ thời điểm ngày 1-1-2019 đến ngày 30-4-2019 giá dầu Brent ở mức 65,78 USD/thùng, tức cao hơn nhiều so với mức 57,67 USD/thùng của giá bình quân tháng 12-2018.

Tại thị trường trong nước, giá xăng dầu tính đến ngày 2-5-2019 được điều chỉnh tăng 4 đợt, giữ nguyên giá 3 đợt, giảm giá 1 đợt. Bình quân 4 tháng qua, giá xăng dầu đã tăng 14,3% so với tháng 12-2018. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm 2018 thì giá xăng dầu trong nước giảm 5,72%.

Xăng dầu là mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp và người tiêu dùng; do đó việc giá xăng dầu tăng liên tục trong thời gian qua ít nhiều ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống. Tuy nhiên, qua theo dõi diễn biến thị trường trong 4 tháng cho thấy giá cả thị trường nói chung không có hiện tượng gia tăng đột biến.

Theo dự báo của các tổ chức quốc tế, giá dầu Brent năm 2019 là khoảng 66 USD/thùng. Vì vậy, giá xăng thành phẩm của thế giới năm 2019 sẽ nằm trong khoảng 70-85 USD/thùng.

- Ông có thể phân tích sâu hơn về ảnh hưởng của việc tăng giá xăng dầu đối với CPI cũng như với đời sống kinh tế - xã hội? Nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng khoảng 1.000 đồng/lít và liên tục như những lần điều chỉnh gần đây thì diễn biến CPI sẽ ra sao?

- Việc tăng giá xăng dầu tác động trực tiếp và gián tiếp đến CPI. Tác động trực tiếp làm tăng CPI ngay trong tháng tăng giá xăng dầu, tác động gián tiếp đối với giá thành sản phẩm của các đơn vị sản xuất và các mặt hàng khác như lương thực, thực phẩm, đồ công nghệ phẩm hay thiết bị và đồ dùng... trong các tháng sau. Xăng dầu là yếu tố đầu vào của toàn xã hội, nhưng tác động nhìn thấy rõ nhất là sẽ làm tăng giá cước vận tải, tăng giá các nguyên, vật liệu đầu vào đối với sản xuất. Tiếp đến, sẽ tác động làm tăng giá các loại hàng hóa, đồ dùng sinh hoạt hằng ngày của người dân như thịt cá, rau củ quả, đồ dùng gia đình… Bên cạnh đó, tăng giá xăng dầu liên tiếp sẽ tạo ra tâm lý lo ngại lạm phát tăng và hiệu ứng không tích cực trong xã hội.

Nếu giá xăng dầu vẫn tiếp tục tăng khoảng 1.000 đồng/lít trong những tháng tiếp theo thì sẽ làm cho CPI mỗi tháng tăng khoảng 0,2% - 0,4% so với tháng trước. Đó là tình huống không mong muốn.

- Bên cạnh đó, việc tăng giá điện vừa qua cũng trở thành áp lực mới đối với dân sinh và hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp. Vậy, mức độ ảnh hưởng của tăng giá điện thật sự là như thế nào?

- Thực hiện Quyết định số 648/QĐ-BCT ngày 20-3-2019 của Bộ Công Thương về việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân năm 2019 tăng 8,36% so với mức hiện hành. Mức tăng này làm CPI năm 2019 tăng khoảng 0,29%, GDP năm 2019 giảm khoảng 0,22%. Tổng cục Thống kê đã tính toán mức tăng giá điện kể trên vào kịch bản CPI bình quân của cả năm 2019 cũng như bảo đảm CPI tăng dưới 4% như Quốc hội đề ra.

Tất nhiên, điện là mặt hàng tiêu dùng đặc biệt và càng dùng nhiều giá càng cao; nhất là vào các thời điểm nắng nóng hoặc rét đậm. Từ đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền đến người dân và doanh nghiệp về yêu cầu thực hành tiết kiệm điện, sử dụng các thiết bị điện một cách hiệu quả để tiết kiệm điện.

Để hạn chế thấp nhất tác động của mức giá điện mới, các doanh nghiệp cần có giải pháp ứng phó, áp dụng những biện pháp tiết kiệm năng lượng nhằm giảm chi phí năng lượng trong sản xuất. Cụ thể, ưu tiên sản xuất vào giờ thấp điểm, đầu tư thay thế thiết bị chiếu sáng tiêu hao ít năng lượng, có phương án tận dụng ánh sáng và thông gió tự nhiên, đầu tư phát triển nguồn điện mặt trời áp mái nhằm hỗ trợ chi phí cho doanh nghiệp một cách bền vững.

Trong mấy ngày gần đây, thông tin về việc người dân phải trả tiền điện tháng 4-2019 cao hơn so với tháng 3-2019 do giá điện tăng cao, tôi cho rằng không hẳn là do mức tăng bình quân 8,36%. Ngay khi có phản ánh từ phía người dân và doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu thanh tra về việc tăng giá điện, bảo đảm công khai, minh bạch thông tin về giá điện. Kết quả sẽ được báo cáo Chính phủ để công bố trong thời gian sớm nhất.

Kiên định mục tiêu kiểm soát lạm phát

- Theo ông, cần làm gì để ổn định tâm lý xã hội, nhất là bảo đảm sự hài hòa giữa mục tiêu tăng trưởng và kiềm chế lạm phát năm 2019?

- Chính phủ tiếp tục kiên định với mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2019, chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với các bộ, ngành tổ chức tốt công tác tuyên truyền, chủ động cung cấp thông tin về công tác điều hành giá nhất là các mặt hàng có tính nhạy cảm đến người dân; thực hiện công khai minh bạch thông tin về giá để kiểm soát lạm phát một cách thống nhất. Đồng thời, các cơ quan quản lý sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát để ngăn ngừa, hạn chế những thông tin thất thiệt gây tâm lý hoang mang cho người tiêu dùng, gây bất ổn định trên thị trường nói chung.

- Ông nhận định thế nào về khả năng, kết quả kiểm soát lạm phát trong các tháng tới cũng như cả
năm 2019?


- Với quyết tâm của Chính phủ, sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của Ban Chỉ đạo điều hành giá cùng với sự phối hợp hiệu quả của các bộ, ngành, địa phương trong từng tháng từ nay đến cuối năm 2019, tôi tin mục tiêu CPI bình quân năm 2019 ở mức tăng dưới 4% trong năm nay sẽ đạt được. Trên thực tế, các diễn biến, kể cả những tình huống bất lợi đã diễn ra từ đầu năm đến nay vẫn nằm trong kịch bản, sự tính toán điều hành cẩn trọng, chủ động của Chính phủ và các cơ quan chức năng...

- Trân trọng cảm ơn ông!

Hồng Sơn