Phát triển bằng tư duy mới

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:25, 12/05/2019

(HNM) - Xuyên suốt 4 kỳ đại hội Đảng, kinh tế tập thể luôn được xác định là một trong những mũi nhọn, trụ cột của nền kinh tế đất nước. Với tầm quan trọng như vậy, Thành ủy Hà Nội cũng thường xuyên có những chỉ đạo mới nhằm hỗ trợ khu vực kinh tế tập thể phát triển.


Tại Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TƯ, ngày 18-3-2002 của Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về “Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể” trên địa bàn thành phố Hà Nội, do Thành ủy Hà Nội tổ chức ngày 11-5, nhiều kết quả tích cực đã được chỉ rõ. Đó là: Hết năm 2018, Hà Nội có gần 1.400 tổ hợp tác; 1.867 hợp tác xã và quỹ tín dụng nhân dân, tăng 16,69% số hợp tác xã so với thời điểm 31-12-2003.

Các loại hình kinh tế tập thể đã thu hút gần 563 nghìn thành viên. Trong đó, hai mô hình hoạt động chủ yếu là hợp tác xã, liên minh hợp tác xã đang từng bước trở thành nhân tố tích cực, có nhiều đóng góp trong sự nghiệp phát triển Thủ đô.

Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn Hà Nội cũng bộc lộ không ít hạn chế. Đó là thành viên nhiều đơn vị còn có tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Trong khi đó, các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể chưa đồng bộ, kịp thời. Một số nội dung hỗ trợ chưa sát thực tiễn, như: Chính sách ưu đãi đầu tư, miễn giảm thuế, thủ tục đất đai… Công tác quản trị của các loại hình kinh tế tập thể chậm đổi mới nên hầu hết không theo kịp sự phát triển. Đặc biệt, liên kết trong sản xuất giữa các hợp tác xã còn yếu dẫn tới việc tăng trưởng và phát triển xã viên gặp nhiều khó khăn.

Trước tình hình trên, ngày 13-9-2018, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 176/KH-UBND về phát triển kinh tế tập thể thành phố Hà Nội năm 2019, trong đó đặt mục tiêu tăng trưởng bình quân của khu vực hợp tác xã đạt từ 6,5% đến 7%. Thành phố phấn đấu mỗi năm phát triển, thành lập mới khoảng 20-30 hợp tác xã trở lên… Hiện thực hóa những mục tiêu trên đòi hỏi phải có tư duy mới trong quản lý cũng như tổ chức, hoạt động của khu vực kinh tế tập thể.

Trước hết, cần đẩy mạnh tuyên truyền để 5% hợp tác xã còn lại chuyển đổi mô hình hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012; kiên quyết giải thể các đơn vị làm ăn thua lỗ. Thành phố cũng cần đẩy nhanh thực hiện các đề án, chương trình hỗ trợ hợp tác xã, như: Đề án “Đổi mới, phát triển kinh tế hợp tác trong hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020” và Đề án “Phát triển 15.000 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020”.

Trong đó, chú trọng nhân rộng các mô hình hoạt động hiệu quả, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, gắn với các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn; triển khai các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Cùng với đó, cần đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng toàn diện cán bộ hợp tác xã, gắn với đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Về phía các đơn vị kinh tế tập thể, bên cạnh những chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước thì việc phát huy lợi thế địa phương, đổi mới trong quản trị, sản xuất và cung cấp dịch vụ theo chuỗi khép kín, chú trọng yếu tố sản xuất bền vững… sẽ là nhân tố tự thân quyết định sự thành công của mỗi đơn vị trong thời gian tới.

Với tư duy phát triển mới để xử lý triệt để những bất cập trên thì khu vực kinh tế tập thể mới có thể phát triển bền vững, trở thành nhân tố tích cực, tự tin tham gia hội nhập kinh tế quốc tế.

Đan Nhiễm