Các dòng sông "kêu cứu"

Công nghệ - Ngày đăng : 07:31, 12/05/2019

(HNM) - Từ lâu, các con sông đã được ví như là những động mạch của thế giới. Bằng cách kết nối các vùng đất, hồ và biển, chúng cho phép lưu thông các chất dinh dưỡng, trầm tích và sinh vật... Tuy nhiên, những năm gần đây, tình trạng ô nhiễm, cạn kiệt tại nhiều hệ thống sông ngòi đã được các nhà khoa học cảnh báo.

Nghiên cứu mới nhất về tình trạng kết nối của các con sông do 34 nhà khoa học đến từ Đại học McGill, Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) cùng các tổ chức khác vừa công bố cho thấy, các dự án thủy điện, hồ trữ nước và nhiều công trình khác của con người đang "bóp nghẹt" 75% các con sông dài nhất thế giới.

Nghiên cứu này được thực hiện dựa trên kết quả đánh giá tình trạng kết nối của các con sông trên trái đất với tổng chiều dài là 12 triệu kilômét. Đây là đánh giá đầu tiên về vị trí và phạm vi các con sông còn được chảy tự do trên hành tinh.

Một đoạn sông Mê Kông


Hiện tại, trong số 91 con sông dài trên 1.000km, chỉ có 21 sông còn giữ nguyên sự kết nối trực tiếp giữa đầu nguồn và chảy ra biển. Cũng chỉ còn khoảng 37% trong số 242 con sông dài nhất thế giới còn duy trì dòng chảy tự do và sự sụt giảm này đang đe dọa đến một trong những hệ sinh thái quan trọng nhất của trái đất. Ngoài ra, nghiên cứu cũng chỉ rõ, khoảng 50% các sông bị xuống cấp nghiêm trọng do chịu tác động từ hoạt động của con người.

Các nhà khoa học ước tính rằng, có 60.000 đập lớn với độ cao ít nhất 15m trong tổng số 2,8 triệu con đập trên thế giới đang ảnh hưởng đến dòng chảy của sông. Việc chặn hoặc xây đập trên sông gây cản trở lượng đất phù sa chảy đến các khu vực trồng trọt, thậm chí ảnh hưởng đến vòng đời của một số loài. Bên cạnh đó, các đập đang làm sụt giảm đáng kể lượng thủy sản, vốn được coi là nguồn thực phẩm lớn của con người.

Sông Mê Kông là một ví dụ điển hình của tình trạng cạn kiệt nước do đập thủy điện. Là nguồn sống của hơn 100 triệu người ở các quốc gia hạ nguồn như Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam, hàng năm con sông này có thể cung cấp đến 1,8 triệu tấn thủy sản.

Theo số liệu của Ủy hội sông Mê Kông quốc tế, vào mùa khô, mực nước sông xuống thấp, lưu lượng trung bình giảm từ 50.000m3/giây trong mùa mưa xuống còn 2.000m3/giây. Nguyên nhân của tình trạng này là do xây dựng các đập ở thượng nguồn. Nếu dòng chảy tiếp tục không đủ lưu lượng, vùng hạ lưu con sông sẽ bị nhiễm mặn. Thiếu nước ngọt và phù sa sẽ làm đồng ruộng ở hạ nguồn khô cằn và bớt phì nhiêu. Đây là nguy cơ có thể gây nên nạn đói kém, thiếu lương thực.

Trưởng nhóm nghiên cứu, ông Gunther Grill, Khoa Địa lý của Đại học McGill, lý giải hệ thống sông trên thế giới hình thành một mạng lưới phức tạp nối giữa đất, nước ngầm và khí quyển. Do vậy, dòng chảy tự do của các sông có ý nghĩa quan trọng đối với con người và cả môi trường, song các hoạt động phục vụ phát triển kinh tế đang ngày càng làm các sông này bị xuống cấp.

Hiện có khoảng 3.700 dự án đập thủy điện đang được triển khai tại nhiều nước trên thế giới khiến giới khoa học quan ngại về các tác động tới môi trường. Phần lớn những sông còn duy trì được dòng chảy tự nhiên chủ yếu nằm ở các khu vực hẻo lánh tại Bắc Cực, lưu vực sông Amazon và lưu vực sông Congo.

Khoa học đã chứng minh, nơi nào có nước ngọt, nơi đó có sự sống. Thiếu nước ngọt sẽ dẫn đến những hậu quả vô cùng thảm khốc. Nghiên cứu này tiếp tục là một tiếng chuông kêu gọi thế giới đẩy mạnh các biện pháp cứu các dòng sông, cũng chính là bảo vệ sự sống của con người.

Phương Quỳnh