Nghị lực của một “Vầng trăng khuyết”
Giới trẻ - Ngày đăng : 07:02, 12/05/2019
Tự tin, nỗ lực
Nếu thường xuyên theo dõi các chương trình "Cafe sáng với VTV3", "Cuộc sống vẫn tươi đẹp" trên sóng VTV4, "VOV giao thông"… chắc hẳn nhiều người khó có thể quên một người dẫn chương trình (MC) với giọng nói truyền cảm cùng nụ cười tươi tắn luôn thường trực. Đó là MC khiếm thị Lê Hương Giang (sinh năm 1995), hiện là sinh viên năm cuối Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội.
Lê Hương Giang (đứng giữa) giành ngôi Á hậu 1 tại cuộc thi “Vẻ đẹp vầng trăng khuyết” năm 2019. |
Khi sinh ra, một mắt của Giang hỏng hoàn toàn, mắt còn lại thị lực chỉ có 1/10. Đến năm học lớp 6, căn bệnh thoái hóa võng mạc quái ác cũng cướp nốt ánh sáng mắt còn lại, nhưng không vì thế mà Giang mất đi sự tự tin và hoài bão. Trái lại, Giang cho rằng mình vẫn may mắn hơn nhiều người khuyết tật khác, vì được sinh ra ở Thủ đô, được đi học ở trường Nguyễn Đình Chiểu.
“Em luôn tự hỏi: Tại sao việc làm của người khiếm thị luôn mặc định là vót tăm, đan lát, tẩm quất hay hát rong, trong khi mỗi người có một khả năng riêng?" - Giang chia sẻ.
Không đầu hàng số phận, trong hơn 20 năm cuộc đời, Lê Hương Giang đã cố gắng nhiều hơn. Em tự trang bị cho mình không chỉ tri thức mà còn cả những kỹ năng sống, học đàn, học hát, học vẽ tranh, sử dụng máy tính, sử dụng điện thoại thông minh với mơ ước trở thành MC truyền hình.
Với nghị lực vượt khó, Giang là chủ nhân của nhiều giải thưởng về khoa học, kỹ thuật. Ngay từ khi đang học tại Trường THPT Thăng Long, nhờ sự động viên của cô giáo chủ nhiệm, Giang đã thực hiện đề tài: “Chế tạo máy đếm tiền đồng thời phân biệt tiền thật tiền giả và phát ra lời nói dành cho người khiếm thị”. Đề tài được các chuyên gia công nghệ đánh giá cao và mang về cho em giải Nhì ngành công nghệ máy tính Intel, giải Ba chung cuộc tại Hội thi Khoa học kỹ thuật Intel Isef toàn quốc năm 2012.
Không dừng ở đó, Giang còn được chọn là đại diện thanh niên khuyết tật của Việt Nam tham dự cuộc thi “Thách thức công nghệ thông tin với thanh niên khuyết tật toàn cầu” tổ chức tại Hàn Quốc. Tại cuộc thi này, Giang đoạt Huy chương đồng…
Cười rất tươi, Giang kể tiếp: “Em đã đi thử vai nhiều nơi mà không nơi nào nhận. Mọi người nghĩ, người khiếm thị không thể làm MC được. Nhờ sự lạc quan, tự tin và nỗ lực hết mình, ước mơ của em giờ đã thành hiện thực". Hiện, Giang không chỉ là chuyên gia tâm lý cho người khuyết tật, người có hoàn cảnh khó khăn mà còn trở thành nữ MC khiếm thị đầu tiên trên sóng của Đài Truyền hình Việt Nam.
Đặc biệt, tại Liên hoan “Vẻ đẹp vầng trăng khuyết” năm 2019, Giang đã xuất sắc giành danh hiệu Á khôi 1. Em chinh phục khán giả bằng câu chuyện về hành trình vươn tới ước mơ. Mất đi ánh sáng từ đôi mắt, nhưng không mất đi ánh sáng của niềm tin là thông điệp mà Giang muốn gửi gắm đến tất cả mọi người.
“Trong cuộc thi này, em muốn làm nổi bật một điều rằng: Chúng em tự tin về bản thân, tự tin về vẻ đẹp tâm hồn và trí tuệ, cũng như về ngoại hình. Chúng em không hề cảm thấy tự ti khi thiếu đi một bộ phận nào đó trên cơ thể. Bởi vì, khi tự tin về bản thân, mình mới có thể tự tin bước ra với xã hội và có thể thực hiện những ước mơ” - Lê Hương Giang cho biết.
Cho đi là còn mãi
Trong câu chuyện của mình, Giang chân thành chia sẻ với tôi: "Từ khi còn nhỏ, mẹ đã muốn hiến giác mạc để mong có một đứa trẻ nào đó bị khiếm thị như em có thể nhìn thấy được thế giới xung quanh. Chính tấm lòng của mẹ và sự đồng hành của gia đình đã thôi thúc em đi đến quyết định đăng ký hiến tạng. Em chỉ suy nghĩ, một ngày nào đó, khi chúng ta trở về với cát bụi thì trái tim, khối óc và giọt máu của chúng ta sẽ giúp được ai đó đang khắc khoải, mong đợi một phép nhiệm màu".
Bằng tình cảm chân thành, thông qua hành động đăng ký hiến tạng của mình, Giang muốn truyền tải thông điệp: Người khuyết tật không chỉ đón nhận sự giúp đỡ của cộng đồng mà hoàn toàn bình đẳng trong sinh hoạt, trong lao động và có thể cống hiến cho cộng đồng. Không chỉ thế, Giang còn tham gia rất nhiều hoạt động tình nguyện, như: Hỗ trợ tâm lý cho phụ huynh và học sinh, phục vụ hoạt động hiến máu nhân đạo…
Là bạn thân, luôn có mặt trong nhiều sự kiện của Giang, Lê Thế Hanh chia sẻ: "Em đã học cùng Giang 4 năm đại học và nhận thấy bạn ấy là người rất giàu nghị lực và tự tin. Để học được khi không nhìn thấy, đòi hỏi phải có trí nhớ rất tốt. Giang chỉ học bằng cách ghi âm, đọc sách và tài liệu bằng nghe phát âm từ bảng chữ cái dành cho người khiếm thị nên rất khó khăn. Thời gian gần đây có các phần mềm dịch văn bản thành âm thanh nên việc học của Giang đỡ vất vả hơn. Tuy khó khăn là vậy, nhưng Giang vẫn học giỏi, thuộc nhóm dẫn đầu của lớp và còn luôn là trưởng nhóm học tập, với khả năng lãnh đạo và phân công công việc rất tốt. Đặc biệt, Giang luôn truyền cảm hứng cho mọi người để học tập và làm việc tốt hơn".
“Mọi người luôn nghĩ em là người truyền cảm hứng, nhưng không phải vậy. Những người thay đổi cuộc sống từ câu chuyện của em mới chính là người truyền cảm hứng cho em. Như trường hợp một em gái đã gọi điện, nói rằng trên bàn mổ đã luôn nghĩ đến em và vượt qua sự đau đớn. Hay có bậc phụ huynh đã đến ôm em và bảo rằng, khi sinh ra đứa con khiếm thị, họ tưởng như mất hết hy vọng cho đến khi đọc được câu chuyện về em và bà mẹ đó đã thay đổi suy nghĩ…" - Giang cười thật tươi khi nói về những việc mình đã làm.
Nói về những dự định sắp tới, Giang mong muốn được làm MC cho nhiều chương trình hơn nữa. Cô gái trẻ người Hà Nội chăm chỉ học ngoại ngữ, nghiên cứu tài liệu để có thể trao đổi với cộng đồng khuyết tật trên thế giới. Ngoài ra, Giang cũng đang nỗ lực học tập để giành học bổng du học ngành Tâm lý học, bởi em muốn giúp đỡ, hỗ trợ thật nhiều người khuyết tật và nhóm người yếu thế khác trong xã hội.
Chia tay tôi, Giang tâm sự thêm: “Cuộc sống có nhiều rào cản, nếu ta cứ nhìn vào những rào cản đó, ta sẽ mãi đứng nguyên một chỗ, thậm chí là tụt hậu. Điều quan trọng nhất là hiện thực hóa nó ra sao”. Câu nói ấy làm một người sáng mắt như tôi suy nghĩ về trách nhiệm xã hội, trách nhiệm công dân của mình…