Mở lối kiến tạo đô thị “xanh”
Bất động sản - Ngày đăng : 07:21, 12/05/2019
“Xanh” mới khỏe mạnh và phát triển tốt
Chia sẻ tại cuộc hội thảo về kiến trúc xanh được tổ chức mới đây tại Hà Nội, kiến trúc sư Chan Ee Mun, Giám đốc thiết kế Woha Architects (Singapore) cho rằng, kiến trúc xanh, đô thị xanh với việc sử dụng vật liệu thân thiện, gắn bó con người với thiên nhiên, không làm ô nhiễm môi trường, tiết kiệm tối đa các nguồn năng lượng… là xu hướng chung của các quốc gia trên thế giới. Singapore đã và đang theo đuổi hiệu quả, còn Việt Nam nên sớm phát triển.
Kiến trúc sư Chan Ee Mun khẳng định, mọi công trình nhà ở, khách sạn, khu công nghiệp, khu vui chơi, giải trí… đều có thể “xanh”, nếu kiến trúc sư biết làm và quyết tâm thực hiện. Khi mọi công trình đều “xanh”, thì cuộc sống của con người mới khỏe mạnh và phát triển tốt.
Kiến trúc xanh là xu hướng tất yếu của đô thị hiện đại. |
Tại Singapore, các công trình đều được thiết kế đề cao tiêu chí: Tỷ lệ cây xanh, tính cộng đồng, không gian kết nối, tỷ lệ đóng góp cho đô thị, khả năng tự cung, tự cấp… Điển hình là những công trình: Khách sạn Park Royal, khu nhà ở xã hội SkyVille@Dawson, khu dân cư Enabling…, tỷ lệ cây xanh, khả năng tự cung, tự cấp ngày càng tăng theo thời gian, nhờ thiết kế sáng tạo.
Theo kiến trúc sư Nguyễn Quốc Thông, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, những năm gần đây, kiến trúc xanh là mối quan tâm lớn ở nước ta. Hàng trăm công trình đạt tiêu chí “xanh” ra đời và không chỉ chứng minh lợi ích trong việc vận hành, mà còn đem lại sự tiện nghi cho người sử dụng. Tại Hà Nội, ngày càng có nhiều công trình, khu đô thị đạt các tiêu chí phát triển bền vững được thiết kế, có thể nhân rộng, như Nhà Bắc Hồng (Đông Anh), nhà ở xã hội Hưng Thịnh (Hà Đông)…
Tuy nhiên, việc thực hiện các công trình kiến trúc xanh ở nước ta còn gặp nhiều rào cản. Kiến trúc sư Trần Vũ Lâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Kiến trúc Lập Phương, người có gần 20 năm kinh nghiệm thiết kế nhà cao tầng và tổ hợp quy mô lớn tại Việt Nam cho rằng, người sử dụng tại Việt Nam chưa cảm nhận được hết tiện nghi mà khoảng xanh mang lại cho bản thân họ và xã hội, do đó họ sẽ chọn nơi có diện tích riêng rộng, thay vì không gian chung thân thiện.
“Chúng tôi luôn thiết kế nhiều khoảng xanh nhất cho công trình, nhưng lại gặp khó khăn từ nhà đầu tư. Thêm khoảng xanh là bớt khoảng ở - thứ đem lại lợi nhuận trước mắt cho nhà đầu tư. Hơn nữa, các tiêu chí, tiêu chuẩn quy định trong thiết kế công trình ở nước ta vẫn chưa đủ để bảo đảm yếu tố “xanh”…”, kiến trúc sư Trần Vũ Lâm chia sẻ.
Khai thác lợi thế địa phương
So với Singapore, Việt Nam có nhiều điểm tương đồng để học hỏi, nhưng vẫn có khác biệt, nhất là về bản sắc. Không phải tự nhiên mà trong Tuyên ngôn Kiến trúc xanh Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Việt Nam ban hành 5 tiêu chí. Ở đó, ngoài yêu cầu công trình có nhiều cây xanh, thân thiện với môi trường, thì còn phải có bản sắc, tính xã hội - nhân văn.
Theo kiến trúc sư Lê Cao Anh, Giám đốc Công ty cổ phần Thiết kế và Xây dựng Lab Concept, “chìa khóa” để phát triển kiến trúc xanh ở nước ta là khai thác lợi thế địa phương. Việt Nam thừa hưởng nhiều yếu tố để phát triển kiến trúc xanh, như nhà truyền thống của người Việt được xây dựng bằng vật liệu tre, đất nện, mái cọ, ngói nung; hướng phía Nam đón gió mát mùa hè, tránh gió lạnh mùa đông… Vấn đề quan trọng là các kiến trúc sư phải tìm được những thiết kế cần thiết, biết chọn lọc, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại để phát triển các công trình kiến trúc xanh tốt.
Chẳng hạn, công trình “Nhà Bắc Hồng” vừa đoạt giải Vàng, Giải thưởng Kiến trúc quốc gia 2018-2019 do Lab Concept thực hiện, có bố cục khối xô lệch hài hòa, đẹp mắt, liên kết với nhau bằng sân giữa và hàng hiên rộng, kết hợp nhuần nhuyễn các vật liệu quen thuộc như gạch trần, ngói đỏ, gỗ, sắt…
Chính bản thân những người làm nên công trình này cũng bất ngờ vì khi sử dụng mái ngói, nhờ khí hậu nóng, ẩm, lượng rêu phủ ngày càng nhiều, tạo khoảng “xanh” lớn dần cho công trình. “Việc tìm kiếm vật liệu “sinh ra” ở Việt Nam không quá khó, chi phí cũng khá rẻ”, kiến trúc sư Lê Cao Anh khẳng định.
Đồng quan điểm, kiến trúc sư Đoàn Thanh Hà - người sáng lập Công ty cổ phần H&P Architects nhận định, ở nước ta, việc làm công trình kiến trúc xanh với chi phí không quá cao hoàn toàn khả thi. Thông qua những công trình như “Nhà biết cách thở” (Đông Anh, Hà Nội), “Tổ ấm ruộng” (thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh)… với việc dùng vật liệu thân thiện, có sẵn ở địa phương, sử dụng lao động tại chỗ, không phá vỡ khung cảnh tự nhiên, kiến trúc sư Đoàn Thanh Hà đã chứng minh điều đó.
Còn theo kiến trúc sư Trần Vũ Lâm, điểm mấu chốt là kiến trúc sư phải đưa ra được thiết kế phù hợp để chủ đầu tư thấy rằng, xây dựng một không gian tiện nghi, thoáng đãng cho cộng đồng, thì lợi nhuận có thể tăng nhiều hơn so với việc “co kéo” diện tích phòng. Khi những công trình được hoàn thành, có người ở và thấy tiện ích, họ sẽ chia sẻ với những người xung quanh.
Đối với vấn đề chính sách, hành lang pháp lý, nhiều năm qua, Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã nỗ lực tác động đến các nhà quản lý nhằm thay đổi và xây dựng hệ thống pháp luật phù hợp, tạo điều kiện tối đa cho việc phát triển kiến trúc xanh. Những chuyển biến gần đây, cộng với sự đồng lòng của toàn xã hội, chắc chắn hành trình kiến tạo đô thị “xanh” ở nước ta sẽ sớm đến đích.