"Nóng" cuộc đua 5G
Xe++ - Ngày đăng : 07:51, 13/05/2019
Kỹ sư Viettel lắp trạm phát sóng 5G đầu tiên tại Hà Nội. Nguồn ảnh: Viettel |
Kết quả thực hiện kết nối chính thức đầu tiên trên mạng 5G Viettel cho thấy, tốc độ kết nối thực tế đạt 1,5-1,7Gbps - vượt xa tốc độ giới hạn lý thuyết của mạng 4G LTE, tương đương với tốc độ của mạng cáp quang thương mại hiện nay. Đồng hành với Viettel thử nghiệm mạng 5G là đối tác Ericsson (Thụy Điển) đã cùng Viettel tiên phong đưa công nghệ di động mới nhất về Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành một trong số ít quốc gia cùng với Mỹ, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc đi đầu trên thế giới thử nghiệm 5G.
Theo ông Tào Đức Thắng, Phó Tổng Giám đốc Viettel, công nghệ 5G này đồng hành với lộ trình chuẩn hóa của Tổ chức 3GPP (hợp tác giữa các nhóm hiệp hội viễn thông theo quy định của Liên minh Viễn thông thế giới) và cũng là lần đầu tiên Việt Nam đi cùng thế giới trong xu thế làm chủ, ứng dụng công nghệ mới nhất.
Cũng theo ông Tào Đức Thắng, Viettel có một quá trình chuẩn bị cho thử nghiệm mạng 5G. Cụ thể từ năm 2018 Viettel đã làm việc với đối tác Ericsson; cùng với đó là tập huấn cho đội ngũ kỹ sư trong lựa chọn công nghệ phù hợp... Trước đó, ngày 25-4, Viettel công bố đã hoàn thành tích hợp hạ tầng phát sóng 5G đầu tiên tại khu vực hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) và phát sóng thử nghiệm thành công trên mọi băng tần được cấp phép.
Trao đổi với báo chí, Tổng Giám đốc Tổng công ty Mạng lưới Viettel Đào Xuân Vũ cho biết, tốc độ kết nối trong các bài thử nghiệm dao động trong khoảng 600-700Mbps, tương đương với tốc độ cung cấp cho khách hàng của mạng 5G Verizon (Mỹ).
Như vậy, chỉ sau khi được cấp phép thử nghiệm mạng 5G trong tháng 1-2019, sau hơn 3 tháng, Viettel đã thiết lập cuộc gọi thành công trên mạng di động thế hệ mới nhất này. Theo kế hoạch, sau khi thử nghiệm trong năm 2019, năm 2020 sẽ thương mại hóa tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, phục vụ mạng băng rộng di động nâng cao (eMBB); mở rộng cung cấp eMBB tại 63 tỉnh, thành phố vào năm 2021 và chính thức cung cấp dịch vụ tới khách hàng trong cả nước vào năm 2022.
Trung tuần tháng 4 vừa qua, MobiFone cũng là nhà mạng thứ hai được cấp phép thử nghiệm mạng 5G sau Viettel. Trước đó, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Đăng Nguyên, phụ trách chức vụ Tổng Giám đốc MobiFone cho biết, nhà mạng này đã hoàn thiện và nộp hồ sơ xin cấp phép thử nghiệm 5G từ cuối năm 2018; đồng thời làm việc với các đối tác để chuẩn bị kỹ thuật sẵn sàng cho thử nghiệm.
Cũng theo ông Nguyễn Đăng Nguyên, MobiFone gấp rút cùng đối tác triển khai thử nghiệm 5G tại 4 thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh. MobiFone sẽ cung cấp dịch vụ thử nghiệm 5G miễn phí cho khách hàng các ứng dụng dữ liệu tốc độ siêu cao, phục vụ nhu cầu thông tin, giải trí như nghe nhạc trực tuyến, video trực tuyến, trò chơi trực tuyến thời gian thực.
Được biết, bên cạnh việc xin phép thử nghiệm mạng di động 5G, cả Viettel và MobiFone đều làm thủ tục xin phép thử nghiệm công nghệ NB-IoT (dành cho thiết bị kết nối internet vạn vật). Đáng chú ý, với kinh nghiệm sản xuất thiết bị cho mạng 4G trước đó, Viettel đặt mục tiêu làm chủ công nghệ để phát triển sản phẩm trạm phát sóng 5G.
Về phía Tập đoàn VNPT, đến thời điểm này, Bộ Thông tin và Truyền thông chưa cấp phép thử nghiệm 5G cho VNPT. Tuy nhiên, từ cuối năm 2018, VNPT đã ký kết hợp tác với 2 đối tác toàn cầu, trong đó có Nokia (Phần Lan) để sẵn sàng triển khai thiết bị 5G...
5G là mạng di động băng rộng thế hệ mới, là công nghệ của data (dữ liệu) với nhiều ưu điểm vượt trội. Công nghệ 5G cũng được ví là “xương sống” của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 - đang được Việt Nam tận dụng thời cơ để đưa đất nước phát triển. Do vậy, việc cơ quan quản lý nhà nước định hướng, các nhà mạng trong nước tích cực thử nghiệm 5G để chuẩn bị cho mục đích thương mại vào năm 2020 chính là đầu tư cho hạ tầng phục vụ sự phát triển của đất nước cũng như nhu cầu của người dân.