“Thỏa thuận thế kỷ” gây tranh cãi
Thế giới - Ngày đăng : 06:52, 13/05/2019
Theo nội dung trích dẫn từ tài liệu bị rò rỉ của Bộ Ngoại giao Israel được đăng tải trên một loạt thời báo lớn ở Trung Đông, dự thảo kế hoạch hòa bình sẽ được ký kết giữa ba bên gồm Israel, Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) và Phong trào Hồi giáo Hamas. Nhà nước Palestine sẽ được gọi là “Palestine mới”, được thành lập trên vùng đất Bờ Tây và Dải Gaza hiện bị Israel chiếm đóng, không bao gồm các khu định cư của người Do Thái. Jerusalem sẽ không bị chia cắt, mà thay vào đó, trở thành thủ đô chung của cả Israel và “Palestine mới”, trong đó Israel nắm quyền quản lý về mặt hành chính và đất đai.
Các cuộc không kích của Israel tại Gaza thời gian gần đây khiến cuộc xung đột Israel - Palestine thêm căng thẳng. |
Điều đáng chú ý trong dự thảo là “Palestine mới” sẽ không có quân đội mà chỉ có cảnh sát - lực lượng duy nhất được trang bị vũ khí hạng nhẹ. Nước này và Israel sẽ phải ký kết thỏa thuận quốc phòng với điều kiện Israel bảo đảm an ninh cho “Palestine mới”. Sau khi thỏa thuận được ký kết, lực lượng Hamas sẽ giao toàn bộ vũ khí cho Ai Cập. Lãnh đạo của phong trào này sẽ được bồi thường và trả lương bởi các quốc gia Arab. Bên nào từ chối ký kết hoặc vi phạm thỏa thuận, Mỹ sẽ hủy mọi hoạt động viện trợ tài chính…
Thực tế, những nội dung của bản dự thảo kế hoạch hòa bình Trung Đông vừa được tiết lộ không phải là điều quá bất ngờ. Nhiều điểm trong tài liệu có phần tương đồng với các tuyên bố trong thời gian gần đây của Cố vấn Nhà Trắng Jared Kushner - con rể của Tổng thống D.Trump và cũng là đồng tác giả của “Thỏa thuận thế kỷ” cùng với Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về Trung Đông, ông Joel Greenblatt.
Tuy nhiên, khác với tham vọng của ông J.Kushner khi mô tả kế hoạch này sẽ làm thay đổi hoàn toàn mô hình các nỗ lực ngoại giao suốt 3 thập niên qua nhằm chấm dứt cuộc xung đột Israel - Palestine, nhiều quốc gia và các nhà bình luận quốc tế đã đưa ra phản ứng trái ngược.
Phát biểu tại một cuộc họp không chính thức của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc mới đây, Ngoại trưởng Palestine Riyad al-Maliki cho rằng, Mỹ dường như đang đưa ra một kế hoạch để Palestine đầu hàng Israel thay vì một dự án hòa bình. Theo ông Al-Maliki, tất cả đề xuất của chính quyền Mỹ cho thấy Washington không quan tâm tới các quyền của người Palestine cũng như luật pháp và sự đồng thuận quốc tế.
Còn ông William J.Burns, Chủ tịch Quỹ Carnegie Endowment vì hòa bình quốc tế, cựu Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ cho rằng, việc Nhà Trắng công bố “Thỏa thuận thế kỷ” vào tháng 6 tới sẽ là “điếu văn” đối với giải pháp hai nhà nước mà cộng đồng quốc tế theo đuổi bấy lâu nay.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhận định, sáng kiến đơn phương của Washington có cách tiếp cận hoàn toàn khác, không bao gồm đề xuất thành lập Nhà nước Palestine với đường biên giới trước năm 1967 với thủ đô là Đông Jerusalem. Đây là bước đi phá hủy những công cụ pháp lý quốc tế cơ bản, chủ chốt và quan trọng nhất trong giải quyết vấn đề hòa bình Trung Đông.
Cho đến nay, hầu hết các nhận định cho rằng Mỹ đang thiên vị Israel về mọi mặt. Bên cạnh đó, kế hoạch mà Washington xây dựng không tập trung giải quyết những vấn đề mấu chốt trong cuộc xung đột Israel - Palestine nhiều năm qua. Đây là lý do khiến 8 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) gồm Pháp, Hà Lan, Ba Lan, Thụy Điển, Anh, Bỉ, Đức, Italia từng ra Tuyên bố chung cảnh báo bất kỳ kế hoạch hòa bình nào liên quan đến Israel và Palestine mà không cân nhắc đến các vấn đề đã được quốc tế đồng thuận sẽ có nguy cơ thất bại và bị lên án.