Đại lễ Vesak 2019: Phật giáo và Cách mạng công nghiệp 4.0

Văn hóa - Ngày đăng : 17:55, 13/05/2019

Ngày 13-5, tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Tam Chúc, huyện Kim Bảng (tỉnh Hà Nam,) Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc tế về chủ đề “Phật giáo và Cách mạng công nghiệp 4.0

Các đại biểu tham gia hội thảo chuyên đề Phật giáo và Cách mạng công nghiệp 4.0. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)


Trong khuôn khổ chương trình Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc Vesak 2019, ngày 13-5, tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Tam Chúc, huyện Kim Bảng (tỉnh Hà Nam), Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc tế về chủ đề “Phật giáo và Cách mạng công nghiệp 4.0”. 

Chủ trì hội thảo, Thượng tọa Thích Đức Thiện - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng trị sự, Trưởng ban Phật giáo quốc tế Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhấn mạnh, hội thảo được tổ chức nhằm làm rõ khái niệm Cách mạng công nghiệp 4.0 và những thuận lợi cũng như những điểm cần lưu ý khi ứng dụng các phương tiện truyền thông hiện đại trong Hoằng dương Chánh pháp. Đây là những chủ đề thu hút được nhiều tham luận của các học giả trong nước và quốc tế nhằm làm nổi bật ảnh hưởng của khoa học công nghệ với giáo dục Phật giáo.

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm nhấn mạnh, những thành quả của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ góp phần hỗ trợ Phật giáo trong hoạt động tổ chức, quản lý và Hoằng pháp, đưa Phật giáo tới gần hơn nữa sinh hoạt đời sống người dân. Giáo dục Phật giáo đã đóng góp không nhỏ cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đặc biệt trong đó là việc tuyên truyền, phổ biến giáo lý nhà Phật, giúp loại bớt những ngôn từ mang tính hận thù, gây chia rẽ trên không gian mạng.

Toàn cảnh hội thảo chuyên đề Phật giáo và cách mạng công nghiệp 4.0. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)


Với tham luận “Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 - Góc nhìn Phật giáo xây dựng xã hội bền vững và hạnh phúc”, học giả Peter Leonard Daniels (Australia) đã làm nổi bật vấn đề tầm ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Ông cho rằng, cuộc cách mạng này liên quan đến nhiều lợi ích xã hội, ảnh hưởng đến hầu hết người dân thế giới cũng như đến môi trường tự nhiên và nhân tạo nơi họ sinh sống.

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 không dễ được định nghĩa và phân biệt rõ ràng, nhưng thường có đặc trưng là sự “xóa nhòa ranh giới” giữa hai thế giới thực tế và kỹ thuật số. Sự kết nối lẫn nhau và ảo hóa cũng là chìa khóa trong cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Các tham luận như: “Bảo tồn các thánh tích Phật giáo tại Ấn Độ” của học giả Duraiswamy (Ấn Độ), “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong việc dịch thuật kinh văn Phật giáo” của học giả Trần Khánh Tiên (Mỹ), “Trí tuệ Phật giáo vì nền hòa bình bền vững trong kỷ nguyên công nghệ 4.0” của học giả Subhash Chandra (Ấn Độ) và “Giáo dục tôn giáo: Phật giáo và cuộc cách mạng công nghệ 4.0” của học giả Ven Jeongwan Sunim (Hàn Quốc)… đã góp phần làm rõ tầm quan trọng của Cách mạng công nghệ 4.0 với sự phát triển của Phật giáo, đặc biệt là trong công tác Hoằng pháp.

Theo Đại Nghĩa (TTXVN/Vietnam+)