Sẵn sàng ứng phó với bệnh Dịch tả lợn châu Phi
Nông nghiệp - Ngày đăng : 07:24, 13/05/2019
Tại thành phố Hồ Chí Minh, nguồn thịt lợn nhập vào để giết mổ chủ yếu từ các tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu... Hiện nay, bệnh Dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện ở tỉnh Đồng Nai và Bình Phước. Trong đó, Đồng Nai là tỉnh cung cấp thịt lợn chủ yếu cho thành phố Hồ Chí Minh, với tổng đàn hơn 2 triệu con lợn. Do thời tiết chuyển sang mùa mưa nên nguy cơ bệnh dịch phát tán và lây lan diện rộng cao, nếu không kiểm soát tốt thì thành phố sẽ là vùng bị ảnh hưởng.
Ông Lê Thanh Liêm - Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Thành phố có 3.917 hộ chăn nuôi lợn với tổng đàn 274.154 con. Trong đó, 274 hộ nuôi lợn bằng nguồn thức ăn thừa tại các nhà hàng, quán ăn có nguy cơ xâm nhiễm cao đối với bệnh Dịch tả lợn châu Phi. Vì thế, thành phố yêu cầu các quận, huyện không lơ là công tác phòng, chống bệnh dịch xâm nhiễm”.
Ngay sau khi bệnh Dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại Đồng Nai, các cơ quan, ban, ngành của thành phố Hồ Chí Minh đã khẩn trương thực hiện phương án phòng, chống mầm bệnh xâm nhiễm. Ông Trần Ngọc Hổ, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Hiện nay, các cửa ngõ lớn như quốc lộ 1A, 1K, tuyến cao tốc Long Thành - Dầu Giây được tăng cường các đoàn kiểm tra liên ngành trực 24/24 giờ. Các quận, huyện tổ chức các trạm kiểm soát tạm thời... Chúng tôi tăng cường kiểm soát giết mổ ở nội đô thành phố, không để xảy ra tình trạng giết mổ lợn trái phép”.
Qua ghi nhận của phóng viên, thành phố Hồ Chí Minh đang tăng cường lực lượng chốt chặn tại các khu vực cửa ngõ của thành phố gồm: Trạm Kiểm dịch động vật Thủ Đức (quận Thủ Đức), Trạm Kiểm dịch động vật An Lạc (quốc lộ 1A, huyện Bình Chánh), Trạm Kiểm dịch động vật Xuân Hiệp (quốc lộ 1K, quận Thủ Đức) và Trạm Kiểm dịch động vật Hóc Môn (quốc lộ 22, huyện Hóc Môn).
Đặc biệt, tại Trạm Kiểm dịch động vật Thủ Đức là nơi có lưu lượng xe chở lợn đi qua nhiều nhất, vì thế trạm phải bố trí thêm lực lượng và có đội cơ động gồm 3-4 nhân viên túc trực để lấy mẫu kiểm dịch, bảo đảm không để lợn bệnh "lọt lưới" qua trạm.
Theo báo cáo từ các trạm kiểm dịch gửi về UBND thành phố Hồ Chí Minh, mỗi ngày tại 4 trạm kiểm dịch động vật (Xuân Hiệp, An Lạc, Thủ Đức, Hóc Môn) thực hiện kiểm dịch 65 lượt xe vận chuyển với 4.180 con lợn đưa vào cơ sở giết mổ trên địa bàn thành phố. Ngoài ra, cơ quan chức năng của thành phố còn thực hiện kiểm dịch 35 lượt xe vận chuyển lợn qua các tuyến cao tốc với khoảng 2.500 con và 23 lượt xe vận chuyển 2.100 con lợn/ngày quá cảnh ở thành phố Hồ Chí Minh đi các tỉnh.
Chị Nguyễn Thị Nga (trú tại phường 9, quận 3) cho hay: “Tôi có nghe thông tin xuất hiện bệnh dịch tại tỉnh Đồng Nai, nhưng nguồn thịt bán tại chợ hay siêu thị đều được cán bộ thú y đóng dấu đã qua kiểm dịch nên tôi rất an tâm, vẫn sử dụng để chế biến bữa ăn cho gia đình”.
Nhằm hạn chế nguy cơ mầm bệnh xâm nhiễm vào địa bàn thành phố, ông Huỳnh Tấn Phát, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Theo quy định, trong vòng 30 ngày, nguồn lợn tại các xã có bệnh dịch tại tỉnh Đồng Nai sẽ không được nhập vào thành phố Hồ Chí Minh, các điểm giết mổ cũng bị đình chỉ hoạt động trong thời gian này”.
Hiện nay, thành phố Hồ Chí Minh có 11 cơ sở giết mổ lợn với số lượng giết mổ bình quân 6.500-7.000 con lợn/ngày; cao điểm có thể đạt 10.000 con lợn/ngày. Lãnh đạo UBND thành phố Hồ Chí Minh cũng yêu cầu 24 quận, huyện tăng cường công tác kiểm tra việc giết mổ, lấy mẫu kiểm dịch thường xuyên, không để xảy ra tình trạng giết mổ lợn trái phép...
Đồng thời, thành phố tiếp tục tuyên truyền đến các hộ chăn nuôi, tiểu thương, chủ lò mổ gia súc tuân thủ các nguyên tắc phòng, chống bệnh dịch; vận động người dân không tẩy chay thịt lợn, vì chất lượng, nguồn gốc thịt đã được kiểm soát chặt chẽ.