Kinh nghiệm chuyển đổi số trong lĩnh vực truyền hình và dịch vụ số
Xe++ - Ngày đăng : 11:54, 14/05/2019
(HNMO) - Ngày 14-5, tại Hà Nội, Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) phối hợp cùng Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC) tổ chức hội thảo “Chuyển đổi số trong lĩnh vực truyền hình và dịch vụ nội dung số - Kinh nghiệm quốc tế và góp ý cho xây dựng pháp luật đối với Việt Nam”.
Hội thảo được tổ chức nhằm tìm hiểu và trao đổi những kinh nghiệm về chuyển đổi số trong lĩnh vực phát thanh, truyền hình, đồng thời lấy ý kiến đóng góp cho sửa đổi, bổ sung Nghị định 06/2016/NĐ-CP về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình đang trong quá trình hoàn thiện.
Theo nghiên cứu của Alpha Beta, doanh nghiệp nghiên cứu thị trường châu Á - Thái Bình Dương, về tác động kinh tế của dịch vụ video theo yêu cầu (VOD) tại châu Á, từ nay đến năm 2022, mức đầu tư cho VOD sẽ tăng gấp 3,7 lần so với năm 2017, lên đến hơn 10 tỷ USD, dự báo mang lại lợi nhuận gấp 3 lần giá trị đầu tư.
Mức tăng VOD cũng sẽ giúp ngành công nghiệp điện ảnh, truyền hình Việt Nam lọt top đầu Đông Nam Á vào năm 2020 và châu Á vào năm 2030, trở thành một trung tâm sản xuất điện ảnh, truyền hình lớn của khu vực.
Theo ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông (IPS), Hội Truyền thông số Việt Nam khẳng định, dịch vụ số cung cấp qua hình thức OTT (truyền hình qua mạng internet trong đó bao gồm VOD), có sự khác biệt căn bản với dịch vụ phát thanh truyền hình truyền thống, do đó yêu cầu và cách thức quản lý nhà nước đối với các nhóm OTT nên có sự khác biệt. Vì vậy, cần xây dựng một khung pháp lý linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của loại hình dịch vụ này.
"Để quản lý loại hình dịch vụ VOD nói riêng và OTT nói chung dưới một khung pháp lý mới, thay vì gộp chung với việc quản lý dịch vụ phát thanh truyền hình truyền thống nên nghiên cứu xây dựng nghị định mới cho các dịch vụ OTT nói chung", ông Nguyễn Quang Đồng nói.
Tại hội thảo, một số kinh nghiệm quản lý các dịch vụ OTT theo định hướng “cơ chế gọn nhẹ” tại một số quốc gia và vùng lãnh thổ như: Hồng Kông (Trung Quốc), Nhật Bản, New Zealand cũng đã được giới thiệu. Chính sách quản lý này được đưa ra như một khuyến nghị góp ý với Chính phủ Việt Nam, phối hợp cùng bộ quy tắc ngành để vừa có thể quản lý hiệu quả dịch vụ nội dung số, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển.