Chiến sự lại bùng phát tại Syria

Thế giới - Ngày đăng : 07:06, 14/05/2019

(HNM) - Ít nhất 80 người thiệt mạng và khoảng 180.000 người khác phải sơ tán khi chiến sự đột ngột bùng phát trở lại tại vùng Tây Bắc Syria trong những ngày qua.

Đợt leo thang căng thẳng lớn nhất trong các cuộc giao tranh giữa quân đội Chính phủ Syria với các tay súng của lực lượng nổi dậy kể từ mùa hè năm 2018 đang biến khu vực này trở thành mặt trận mới trong cuộc xung đột đã bước sang năm thứ 8.

Các cuộc tấn công của quân đội Syria vào Idlib làm bùng phát căng thẳng tại khu vực.


Tình hình nóng lên từng ngày sau khi quân đội Syria giành lại quyền kiểm soát hàng loạt thị trấn chiến lược tại khu vực giáp ranh giữa tỉnh Idlib và tỉnh Latakia từ tay các phần tử nổi dậy. Đây là kết quả bước đầu của chiến dịch quân sự quy mô lớn dưới sự hỗ trợ mạnh mẽ của không quân Nga, được triển khai ồ ạt nhằm mục tiêu xóa bỏ khủng bố và giải phóng Idlib. Chiến dịch tấn công phối hợp cả từ trên không và dưới mặt đất của quân Chính phủ Syria nhằm vào Idlib vấp phải sự chống trả quyết liệt của các tay súng nổi dậy, tạo nên các đợt giao tranh ác liệt.

Idlib luôn là trọng tâm trong các cuộc thảo luận về giải pháp bền vững cho vấn đề Syria. Đây là tỉnh duy nhất ở quốc gia này còn nằm trong tầm kiểm soát của các nhóm khủng bố và vũ trang bất hợp pháp. Mặt khác, hàng chục nghìn phiến quân từ các tỉnh đã được quân đội Syria giải phóng trước đây như Aleppo hay Đông Ghouta cũng đang tháo chạy tới Idlib, biến vùng này thành điểm nóng an ninh mới đe dọa toàn khu vực. Tháng 9-2018, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã ký kết thỏa thuận thiết lập vùng phi quân sự nhằm ngăn một chiến dịch tấn công quy mô lớn của quân Chính phủ Syria vào Idlib, đồng thời yêu cầu các nhóm vũ trang ngừng bắn như một thỏa hiệp giúp tháo ngòi căng thẳng tại chảo lửa này.

Tuy nhiên, nhóm phiến quân Hay'at Tahrir al-Sham (HTS) và các nhóm vũ trang ở Idlib nhiều lần vi phạm lệnh ngừng bắn và liên tiếp nã pháo vào căn cứ của quân đội Syria và Nga. Do đó, chiến dịch giải phóng tỉnh Idlib được Chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad đánh giá là nhiệm vụ ưu tiên, mang ý nghĩa quyết định tới mục tiêu của Damascus là quét sạch khủng bố và thiết lập quyền kiểm soát toàn bộ lãnh thổ đất nước.

Song kế hoạch mở cuộc tổng tấn công tại tỉnh Idlib lại gây mâu thuẫn giữa "bộ ba Astana" bảo trợ cho tiến trình hòa bình Syria, gồm Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, trong đó phản đối của Ankara là gay gắt nhất. Đây không chỉ là tỉnh giáp với Thổ Nhĩ Kỳ mà còn được coi là "bàn đạp" giúp nước này củng cố vị trí tại miền Tây Syria, nhằm kiểm soát hiệu quả các nhóm bán quân sự người Kurd. Diễn biến bất ngờ trong những ngày qua đã phá vỡ thỏa thuận đạt được giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hồi năm ngoái, trong đó nhiệm vụ xóa sạch tàn dư khủng bố ở tỉnh này là trách nhiệm của Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cũng đã đề nghị người đồng cấp Nga Sergey Lavrov về việc Mátxcơva ngừng triển khai các cuộc tấn công vào Idlib.

Đại sứ Pháp tại Liên hợp quốc Francois Delattre cảnh báo, xung đột gia tăng sẽ dẫn tới một “thảm kịch Aleppo” tại Idlib, bởi các đợt giao tranh chưa có điểm dừng có thể gây ra thảm họa nhân đạo ngoài dự tính. Tuần qua, Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) cho biết, tình trạng bạo lực leo thang đã buộc 16 tổ chức viện trợ phi chính phủ trong khuôn khổ Liên hợp quốc tạm ngừng hoạt động ở vùng Tây Bắc Syria, kéo theo việc khoảng 50 nghìn người không còn nhận được trợ giúp về lương thực và hàng nghìn người mất cơ hội học tập và chăm sóc sức khỏe.

Theo yêu cầu của Bỉ, Đức và Kuwait, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã có cuộc họp khẩn về tình hình căng thẳng ở Idlib, song không thể ra một tuyên bố cụ thể. Trong khi các cuộc thảo luận chưa ngã ngũ, các đợt đánh bom và không kích dữ dội vẫn là mối đe dọa đối với hơn 3 triệu dân sinh sống tại khu vực mặt trận ác liệt này.

Minh Hiếu