Cải tạo, lát hè: Tăng kiểm tra, giám sát
Đời sống - Ngày đăng : 07:15, 14/05/2019
Thi công lát hè tại đường Trần Đăng Ninh, quận Cầu Giấy. Ảnh: Yên Khánh |
Phố Tô Hiệu là một trong 2 trục chính trên địa bàn phường Hà Cầu, quận Hà Đông. Tuy nhiên, lâu nay tuyến phố này tồn tại tình cảnh: Cốt nền hè nơi cao, nơi thấp; gạch lát đoạn trồi, đoạn sụt... Đầu tháng 3-2019, vỉa hè phố Tô Hiệu được cải tạo (theo Quyết định 7942/QĐ-UBND ngày 28-10-2017 của UBND quận Hà Đông). Lớp gạch block trước đây được thay bằng gạch tezarro (40x40cm, dày 3cm), vỉa hè được bó bằng đá xẻ tự nhiên; đồng bộ với nâng cấp rãnh thoát nước, sửa chữa các ga thu... Đến nay, dự án đã cơ bản hoàn thành các hạng mục chính, đem lại bộ mặt đường phố khang trang. Đặc biệt, để tạo sự đồng bộ, thuận tiện cho người dân sử dụng, đoạn có cốt nền cao được hạ thấp 5-13cm.
Tại phường Dịch Vọng (quận Cầu Giấy), từ giữa tháng 3-2019, vỉa hè của ba tuyến phố: Trương Công Giai, Trần Đăng Ninh (đoạn từ bùng binh chùa Hà đến đường Cầu Giấy), Trần Đăng Ninh kéo dài (đoạn từ ngõ 1 phố Trần Thái Tông đến phố Thành Thái) cũng được cải tạo, lát lại bằng gạch bê tông vân đá. Cùng với hạ ngầm đường dây điện, viễn thông, quận Cầu Giấy cải tạo đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, bố trí các trụ nước cứu hỏa... Bà Phạm Thị Kim Liên, Phó Giám đốc Ban Quản lý đầu tư xây dựng quận Cầu Giấy - chủ đầu tư dự án cho biết, theo kế hoạch cải tạo vỉa hè phê duyệt từ giữa năm 2017, các tuyến phố trên được thiết kế lát bằng đá tự nhiên. Đến giữa năm 2018, quận ra quyết định điều chỉnh, chuyển từ lát đá tự nhiên sang gạch bê tông vân đá. Việc điều chỉnh vật liệu lát vỉa hè giúp quận Cầu Giấy tiết kiệm ngân sách khoảng 6,3 tỷ đồng.
Trước đó, từ cuối năm 2016 đến năm 2017, nhiều dự án lát hè bằng đá tự nhiên đã được một số quận triển khai như: Lê Trọng Tấn, Quang Trung, Lê Thái Tổ, Hai Bà Trưng, Nguyễn Du,... đem đến bộ mặt đường phố khang trang, giúp người dân đi lại dễ dàng hơn. Tuy nhiên, tại một số dự án lát hè đã xảy ra tình trạng chưa bảo đảm yêu cầu về chất lượng. Rút kinh nghiệm quá trình triển khai trong thời gian qua, ngày 21-3-2019, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định 1303/QĐ-UBND phê duyệt “Thiết kế mẫu hè đường đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội”, thay thế Quyết định 4340/QĐ-UBND ngày 20-8-2014. Theo đó, chỉ có hè hơn 100 tuyến phố tại 7 quận (Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Hà Đông, Hoàng Mai) lát đá tự nhiên. Đặc biệt, theo ông Nguyễn Trung Sơn, Phó Trưởng phòng Quản lý xây dựng (Sở Xây dựng Hà Nội), quyết định cũng bổ sung trách nhiệm các sở, ngành, quận, huyện và các đơn vị liên quan trong công tác kiểm tra, giám sát cũng như quản lý thi công.
Tuy các dự án cải tạo, lát hè đang thi công thực hiện theo quyết định phê duyệt đầu tư từ trước khi Quyết định 1303/QĐ-UBND ban hành, song theo ghi nhận của phóng viên, các dự án đều có sự điều chỉnh thích hợp, quản lý chặt chẽ giúp tiết kiệm chi phí. Cùng với đó, ngày 8-4-2019, UBND thành phố cũng có văn bản yêu cầu các quận, huyện chỉ cải tạo vỉa hè các tuyến phố đã xuống cấp và đã đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật (cây xanh, hạ ngầm đường điện, thông tin liên lạc, chiếu sáng...). Các dự án này phải nằm trong kế hoạch đầu tư trung hạn của quận, huyện, thị xã. Các quận, huyện phải kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ vật liệu lát hè, chỉ đạo tư vấn quản lý dự án, giám sát và đơn vị thi công tuân thủ đúng quy trình thi công, nghiệm thu.
Tại 3 dự án lát hè vừa triển khai, UBND quận Cầu Giấy đã thành lập đoàn giám sát. Ở cấp phường, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường Dịch Vọng cũng thành lập ba ban giám sát đầu tư với sự tham gia của người dân.
Ở cấp độ thành phố, ông Lê Văn Dục, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, Sở cũng đã ban hành kế hoạch kiểm tra đối với các dự án lát hè trên địa bàn; trong đó chú trọng khắc phục tồn tại, bảo đảm chất lượng, vệ sinh môi trường.