Nên giảm đại biểu cơ quan quản lý nhà nước
Chính trị - Ngày đăng : 07:33, 14/05/2019
Điều này dẫn đến bất cập trong hoạt động của HĐND khi thảo luận, đóng góp ý kiến về các dự thảo nghị quyết, đề án, báo cáo do UBND trình.
Bởi, dù đảm đương hai vai, nhưng đại biểu đang công tác trong các cơ quan quản lý nhà nước vẫn thường bảo vệ những gì mà UBND trình nên ít khi đưa ra ý kiến phản biện các dự thảo.
Từ thực tiễn tổ chức và hoạt động của HĐND các cấp trong những nhiệm kỳ gần đây, rất cần có sự nghiên cứu, đánh giá để xây dựng cơ cấu đại biểu HĐND nhiệm kỳ tới (2021-2026) hợp lý theo hướng giảm số lượng đại biểu HĐND kiêm nhiệm; đồng thời giảm tối đa số người đang công tác trong các cơ quan quản lý nhà nước tham gia làm đại biểu HĐND, nhằm tổ chức HĐND gọn nhẹ, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và tiết kiệm ngân sách, thời gian.
Bên cạnh đó, Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội đang được trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Theo đề án, tổ chức chính quyền quận, huyện, thị xã vẫn là một cấp chính quyền đầy đủ (có HĐND, UBND) nhưng được phân cấp mạnh, tăng đại biểu HĐND chuyên trách. Tổ chức chính quyền các phường thuộc quận sẽ không tổ chức HĐND, chỉ tổ chức cơ quan hành chính theo thiết chế ủy ban hành chính. Ủy ban hành chính phường chịu sự giám sát trực tiếp của cấp ủy, HĐND và đại biểu HĐND quận; đồng thời chịu sự giám sát của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp.
Như vậy, khi Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội được thông qua, triển khai trong thực tế cùng với việc nghiên cứu xây dựng cơ cấu đại biểu HĐND hợp lý sẽ giải quyết được bất cập đặt ra, nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND, đáp ứng yêu cầu mới.