Nỗi lo từ cơ sở nhỏ lẻ

Xã hội - Ngày đăng : 07:11, 15/05/2019

(HNM) - Trong bối cảnh dịch bệnh trên đàn vật nuôi diễn biến phức tạp, nhất là bệnh Dịch tả lợn châu Phi, việc kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm đang được các cấp, ngành thành phố Hà Nội đặc biệt quan tâm.


5h ngày 12-5, hoạt động tại khu giết mổ tập trung Vạn Phúc (huyện Thanh Trì) vẫn diễn ra bình thường như mọi ngày nhưng số lượng lợn giết mổ giảm so với thời điểm chưa xảy ra bệnh Dịch tả lợn châu Phi. Theo tính toán, lúc cao điểm, khu giết mổ tập trung Vạn Phúc giết mổ gần 3.000 con lợn/ngày, nay chỉ còn hơn 1.000 con/ngày. Ông Nguyễn Quang Cừ, Phó Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Thanh Trì cho hay, công tác kiểm soát giết mổ ở đây được thắt chặt, toàn bộ lợn trước khi đưa vào giết mổ, ngoài kiểm tra lâm sàng các bệnh, còn test nhanh để phát hiện bệnh Dịch tả lợn châu Phi.

Trong khi các doanh nghiệp giết mổ gia súc, gia cầm tập trung quy mô lớn tuân thủ nghiêm quy trình giết mổ, thì nỗi lo lớn nhất hiện nay là hoạt động tại các lò giết mổ nhỏ lẻ, tự phát. Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, hiện trên địa bàn thành phố vẫn còn gần 1.000 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh. Đáng lo ngại, hoạt động giết mổ nhỏ lẻ, thủ công diễn ra rải rác trong các khu dân cư. Đa số điểm, hộ giết mổ này không được chính quyền địa phương cấp phép hoạt động...

Để bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm đối với động vật, sản phẩm động vật trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp hiện nay, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cho biết: Đơn vị đã và đang thực hiện nhiều giải pháp về quản lý, giám sát dịch bệnh; thành lập các đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, đặc biệt tại các chợ đầu mối. Bên cạnh đó, Chi cục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng thành phố kiểm tra, ngăn chặn, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực chăn nuôi, thú y...

Tại các quận, huyện, thị xã, thời gian qua, các cơ quan chức năng cũng tăng cường kiểm tra, kiểm soát giết mổ, trong đó tập trung vào các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ. Từ năm 2018 đến nay, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội đã phối hợp với cơ quan chức năng các quận, huyện, thị xã xử lý 1.200 trường hợp vi phạm. "Do các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ hầu hết là lưu động nên xử phạt hành chính chưa có nhiều tác dụng. Do đó, việc tuyên truyền vận động đưa các hộ giết mổ nhỏ lẻ vào khu giết mổ tập trung theo quy hoạch, tiến tới xóa bỏ và nghiêm cấm giết mổ nhỏ lẻ không bảo đảm vệ sinh môi trường, vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm vẫn là giải pháp căn cơ, lâu dài", ông Nguyễn Ngọc Sơn khẳng định.

Ở góc độ doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Lan, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thương mại Lan Vinh ở xã Yên Thường (huyện Gia Lâm) - đơn vị có dây chuyền giết mổ với số lượng hơn 4.000 con gia cầm/ngày, kiến nghị: "Trong điều kiện dịch bệnh trên đàn vật nuôi diễn biến ngày càng phức tạp, cần có các biện pháp cụ thể hơn để thúc đẩy thị trường thịt mát, thịt giết mổ công nghiệp theo chuỗi có kiểm soát".

Sơn Tùng