Tháng Năm trên quê hương Bác

Du lịch - Ngày đăng : 11:07, 16/05/2019

(HNMCT) - Tháng Năm về, dòng người đến với Khu di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (Khu di tích lịch sử Kim Liên) càng đông hơn. Ai cũng mong được nghe những câu chuyện kể xúc động về Người, được thăm nơi Người sinh ra, lớn lên để càng hiểu rõ hơn về phẩm chất đạo đức Hồ Chí Minh.

Những kỷ vật trong nhà Bác luôn gợi niềm xúc động cho du khách.


Quê hương Nam Đàn

Khu di tích lịch sử Kim Liên là một quần thể các di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại xã Kim Liên (huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An). Đây là di tích quốc gia đặc biệt và là 1 trong 4 di tích quan trọng về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên khắp cả nước. Nơi này hiện còn lưu giữ được không gian văn hóa, lịch sử với các công trình cùng nhiều tài liệu, hiện vật gắn với tuổi thơ của Người.

Khu di tích lịch sử Kim Liên bao gồm 2 cụm di tích chính và 14 di tích thành phần. Đó là quê nội của Người ở làng Sen, gồm các di tích: Nhà ông Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, nhà cụ Nguyễn Sinh Nhậm (ông nội của Bác Hồ), nhà thờ đại tôn họ Nguyễn Sinh bằng gỗ, nhà cụ Vương Thúc Quý - thầy dạy học của Bác. Bên cạnh đó, còn có các di tích khác in đậm những ký ức tuổi thơ của Người. Đó là lò rèn Cố Điền - nơi Bác thường sang chơi vào những lúc rảnh rỗi, là giếng Cốc - nơi Bác thường ra lấy nước, là núi Chung - nơi Bác và các bạn thường lên chăn trâu, thả diều, đánh trận giả...

Quê ngoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh gồm các di tích: Ngôi nhà của cụ Hoàng Xuân Đường (ông ngoại của Bác) ở làng Chùa - nơi Người cất tiếng khóc chào đời, nhà thờ chi họ Hoàng Xuân do ông ngoại của Bác dựng năm 1882... Ngoài 2 cụm di tích trên, Khu di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Kim Liên còn có di tích mộ bà Hoàng Thị Loan (mẹ Bác) và mộ cụ Hà Thị Hy (bà nội của Bác) ở xã Nam Giang...

Khu di tích lịch sử Kim Liên đã được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt năm 2012 bởi những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học đặc biệt, và đó cũng là “chất liệu” để phát triển du lịch của tỉnh Nghệ An. Thực tế những năm qua, khu di tích này thường xuyên đón hơn 1,5 triệu lượt khách mỗi năm. Mức tăng trưởng khách năm sau luôn cao hơn năm trước, năm 2016 là 1,5 triệu lượt, năm 2017 là 1,7 triệu lượt, năm 2018 là 1,8 triệu lượt người. Sự tăng trưởng ổn định về lượng khách đã khẳng định vị thế của Khu di tích lịch sử Kim Liên - một di tích quan trọng hàng đầu trong hệ thống di tích của Việt Nam nói chung và hệ thống di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh nói riêng.

Bảo tồn và phát huy giá trị di tích

Kể từ khi được thành lập đến nay, Khu di tích Kim Liên đã thực sự trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng và lý tưởng cho nhiều thế hệ người Việt Nam. Khách hành hương về quê Bác rất đa dạng gồm nhiều thành phần, lứa tuổi, trình độ học vấn khác nhau. Ông Nguyễn Văn Chung, Bí thư Đảng ủy Khu di tích Kim Liên cho biết: “Các đoàn khách đến với Khu di tích Kim Liên với nhiều mục đích khác nhau, trong đó chủ yếu là tham quan, nghiên cứu, học tập; các chương trình về nguồn, dâng hương, báo công tưởng niệm, tổ chức lễ kết nạp đảng viên viên mới, trồng cây lưu niệm, dã ngoại, nói chuyện chuyên đề về Bác Hồ... Đó thực sự là những hoạt động giáo dục truyền thống cần thiết và bổ ích, vừa góp phần giúp các em học sinh hiểu rõ hơn về Bác và công lao to lớn của Người, vừa là để các thế hệ người dân, cán bộ, công nhân viên chức luôn tự nhắc nhở mình học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Tham quan, tìm hiểu Khu di tích Kim Liên, du khách sẽ được hiểu sâu hơn những yếu tố giản dị nhưng cao đẹp, chứa đựng những giá trị truyền thống - đó là truyền thống văn hóa của xứ Nghệ mà chủ đạo là truyền thống yêu nước và cách mạng, truyền thống yêu nước của những người thân trong gia đình Bác, tư tưởng Hồ Chí Minh thể hiện trong các văn kiện Đại hội Đảng..., được thể hiện rõ nét qua các tài liệu, hiện vật lưu niệm, các bài cảm tưởng của khách tham quan trong nước và quốc tế viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trải qua hơn 60 năm hình thành và phát triển, Khu di tích lịch sử Kim Liên đã và đang phát huy tốt vai trò của mình, nhưng việc bảo quản di tích, hệ thống hiện vật không đơn giản. Ông Lâm Đình Hùng, Trưởng phòng Sưu tầm, kiểm kê, bảo quản của Khu di tích cho biết, các di tích tại đây có kết cấu không bền vững, dễ bị xuống cấp, hư hỏng. Vì thế, việc trùng tu, tôn tạo là vấn đề cấp thiết và mang tính chất thường trực. Ví dụ như việc lợp tranh lá mía trước đây cứ 3 - 4 năm mới thay một lần, nhưng hiện nay việc thu mua nguyên liệu này vô cùng khó khăn. Những nghệ nhân có thể “đánh tranh”, cho ra loại lá lợp có chất lượng cao theo đúng yêu cầu như xưa không còn nhiều, hơn nữa lại tốn nhiều kinh phí. Cùng với đó là những phức tạp, khó khăn trong việc thay thế các cấu kiện gỗ bị mục, hỏng.

Việc bảo quản các tài liệu, hiện vật cũng hết sức khó khăn do thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều... Vì thế, theo ông Lâm Đình Hùng, công tác bảo quản hiện vật tại di tích được đặt ra vô cùng nghiêm ngặt, đòi hỏi những người làm việc này, ngoài nắm vững chuyên môn còn phải có “tâm”, coi ngôi nhà, mảnh vườn của gia đình Chủ tịch Hồ Chí Minh như của gia đình mình. Hằng ngày, cán bộ bảo quản ngoài thực hiện việc vệ sinh, cảnh quan môi trường trong di tích còn chăm chút cho các hiện vật như chiếc chiếu, bộ phản, bộ ấm chén, cái mâm đến guồng tơ, sợi chỉ... một cách tỉ mỉ, cẩn trọng để giữ gìn vẹn nguyên những kỷ vật mà gia đình Bác để lại.

Với những nỗ lực trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị của di tích cùng những giá trị hiện thân quý giá, Khu di tích lịch sử Kim Liên đã và sẽ luôn là “địa chỉ đỏ” của du khách, là điểm đến du lịch hàng đầu của tỉnh Nghệ An. Để thu hút khách tham quan ngày một nhiều hơn, Khu di tích lịch sử Kim Liên đã có những bước đi bài bản, khoa học để giữ vững và phát huy vị thế của một điểm đến quan trọng hàng đầu trong hệ thống di tích văn hóa lịch sử cách mạng nói chung và hệ thống di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh nói riêng. Không gian văn hóa cùng những công trình, hiện vật quý báu về Bác đã khiến Khu di tích lịch sử Kim Liên trở thành quê hương thứ hai trong lòng mỗi người con nước Việt.

Khánh Vy