Ba hiểu lầm mọi người thường mắc phải khi ăn rau củ quả
Sức khỏe - Ngày đăng : 08:20, 16/05/2019
Chế độ ăn giàu chất xơ liên quan tới chỉ số BMI và hàm lượng insulin trong máu. Rau quả là nguồn cung cấp chất xơ quan trọng.
Ngoài ra, rau xanh cũng là thực phẩm hàng đầu giúp phòng ngừa ung thư. Hầu hết các loại rau xanh đều chứa chất chống ô xy hóa, giúp bảo vệ cơ thể khỏi các gốc tự do.
Tuy nhiên, mỗi ngày bạn nên ăn bao nhiêu rau củ, có phải ăn càng nhiều càng có lợi? Tân Hoa xã mới đây đã đăng tải bài viết nêu ra những hiểu lầm mà nhiều người mắc phải:
Nước ép trái cây, rau củ có thể thay thế rau quả?
Uống nước ép rau củ và trái cây rất dễ dẫn đến việc nạp lượng calo quá mức. Ví dụ, mỗi ngày, bạn chỉ cần ăn một quả cam nhưng nếu uống nước cam ép, bạn cần ít nhất 5 quả cam để được một ly nước cam. Đương nhiên, bạn sẽ nạp nhiều calo hơn.
Ngoài ra, trong quá trình ép, đường trong trái cây cũng được ép thành các phân tử nhỏ hơn, giúp hấp thụ nhanh hơn và tăng khả năng béo phì.
Bệnh nhân tiểu đường không được ăn trái cây?
Rất nhiều bệnh nhân tiểu đường không dám ăn trái cây ngọt. Thực tế, trái cây có chứa rượu đường - thành phần không dễ khiến huyết áp tăng cao. Do đó, bệnh nhân tiểu đường có thể ăn từ 200 gram đến 350 gram trái cây mỗi ngày.
Các chuyên gia lưu ý rằng, đối với một số loại trái cây có hàm lượng đường cao, hơn 10%, như xoài, vải, sầu riêng..., bệnh nhân tiểu đường chỉ nên ăn 200 gram mỗi ngày.
Đối với trái cây có ít hơn 10% đường, bệnh nhân có thể ăn 300 gram đến 350 gram.
Ăn càng nhiều rau thì càng có lợi?
Nhiều người nghĩ rằng điều này tốt cho sức khỏe, nhưng hàm lượng chất xơ trong rau cao dễ dẫn đến đầy hơi, tiêu chảy.
Ngoài ra, nó còn ảnh hưởng đến việc hấp thụ canxi và protein. Do đó, mỗi người nên tiêu thụ từ 350 gram đến 500 gram rau mỗi ngày.