Ra mắt kịch “Tấm Cám”: Đạo diễn Singapore cho Cám hoàn lương
Văn hóa - Ngày đăng : 08:09, 16/05/2019
Cảnh dẫn dắt vở "Tấm Cám". |
Vở kịch thiếu nhi “Tấm Cám” của Sân khấu Lệ Ngọc do nhà văn Nguyễn Hiếu viết kịch bản, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Thái cố vấn nghệ thuật và đạo diễn Singapore Chua Soo Pong dàn dựng. Với cách cảm nhận riêng của một người nước ngoài, đạo diễn người Singapore đã mang đến màu sắc khác lạ cho vở diễn khi có những thay đổi, điều chỉnh so với nguyên tác truyện cổ. Điều này phần nào tạo nên sự mới mẻ của vở kịch và nhận được đón nhận mới từ các khán giả nhí.
Hai mẹ con Cám được các nghệ sĩ diễn sinh động, hài hước. |
Ngay trong buổi đầu tiên ra mắt, khán phòng Nhà hát Lớn Hà Nội đã kín chỗ. Khán giả đến xem vở đầy đủ mọi lứa tuổi, phần đông vẫn là thiếu nhi. Sự hào hứng, phấn khởi của khán giả nhỏ tuổi với sân khấu kịch thể hiện ở ngay phần chào sân ngẫu hứng, hóm hỉnh của nghệ sĩ Đức Hải và hai diễn viên nhí Như Khôi, Tuệ Lâm. Họ diễn giải vì sao vở không có nhân vật Bụt, mà được thay bởi người mẹ của Tấm.
Phiên bản mới cũng không có chi tiết Tấm làm mắm Cám gửi cho dì ghẻ, mà thay vào đó là cái kết đầy tính nhân văn với sự hối lỗi của hai mẹ con Cám cùng lời hứa làm nhiều việc tốt. Đây được xem là những thay đổi phù hợp để giúp khán giả có thêm nhiều suy ngẫm, hướng tới cái thiện.
Vở diễn không có nhân vật ông Bụt, thay vào đó là linh hồn mẹ Tấm luôn hiện lên giúp đỡ con mỗi khi con gặp nạn. |
Đúng như những gì từng phát biểu trước đây của đạo diễn Chua Soo Pong, dù không giữ toàn bộ nguyên tác, vở kịch vẫn phản ánh nét văn hóa dân gian Việt Nam và tinh thần, ý nghĩa tác phẩm. Vở vẫn bảo đảm phần cốt truyện, từ cảnh Tấm và Cám đi mò cua, bắt ốc cho đến những chi tiết hai mẹ con Cám thường xuyên đối xử tệ bạc với Tấm, lừa Tấm chăn trâu đồng xa để bắt cá bống ăn; bắt Tấm nhặt thóc trộn với gạo mới cho đi dự hội... Mỗi lần gặp những điều không may, Tấm luôn được linh hồn của mẹ hiện lên trợ giúp.
Trong vở có nhiều cảnh múa, hát để tăng tính hấp dẫn. |
Trải qua nhiều kiếp nạn, biến thành chim vàng anh, quả thị…, cuối cùng Tấm và Hoàng tử vẫn đến được với nhau. Cuối vở, thay vì trả thù mẹ con Cám như trong nguyên mẫu, nàng Tấm đã xin hoàng tử tha tội để mẹ con Cám có cơ hội hoàn lương. Từ đó, vở kịch thiếu nhi “Tấm Cám” của Sân khấu Lệ Ngọc truyền tải rõ nét thông điệp về tình mẫu tử và những bài học mang tính nhân văn, hướng con người tới cái thiện và những điều tốt đẹp trong cuộc sống.
Dù vậy, vở diễn vẫn có nhiều phân đoạn dàn dựng chưa thật hợp lý. So với tổng thể của vở thì màn chào sân với cách dẫn dắt khán giả đến với “Tấm Cám” được dành khá nhiều thời gian, khiến người xem có cảm giác lan man. Trong khi đó, những phân đoạn sau như cảnh Tấm từ trong quả thị bước ra, têm trầu cánh phượng để gặp Hoàng tử; hay cảnh cuối Tấm xin tha mạng cho mẹ con Cám lại diễn ra khá đơn giản. Điều này phần nào khiến cảm xúc người xem bị hụt hẫng.
Cảnh thử hài được đánh giá là một trong những phân đoạn dí dỏm, hấp dẫn của vở. |
Vai diễn Hoàng tử chưa thật sự hấp dẫn khi có nhiều cảnh múa hát thể hiện bị… “cứng”, thiếu nhuần nhuyễn so với Tấm và các vai diễn khác. Có lẽ, thể hiện thành công nhất trong vở là hai nghệ sĩ đóng vai Cám (Thu Hà) và mẹ Cám (Nghệ sĩ nhân dân Lệ Ngọc).
Hai nhân vật Hoàng tử và Tấm. |
Vở kịch “Tấm Cám” ra mắt vào dịp Quốc tế Thiếu nhi 1-6 hứa hẹn sẽ là một trong những sản phẩm nghệ thuật được đón chờ trong mùa hè này. Ban tổ chức cho biết, sau khi ra mắt, vở diễn này sẽ tham gia Liên hoan sân khấu quốc tế 2019.
Sân khấu Lệ Ngọc là đơn vị kịch nói xã hội hóa đầu tiên ở Hà Nội do NSND Lệ Ngọc thành lập. Từ năm 2013, sân khấu hoạt động tại Nhà hát kịch Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh. Những tác phẩm nổi bật mà Sân khấu Lệ Ngọc dàn dựng gồm có: “Ngũ biến”, “Kim Tử”, “Thị Nở - Chí Phèo”… Nhiều tác phẩm đã được mời diễn ở các liên hoan sân khấu quốc tế tại Nhật Bản, Trung Quốc, Philippines, Hàn Quốc... |