Đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường học: Để không thiếu chỗ học
Giáo dục - Ngày đăng : 06:31, 17/05/2019
Bài đầu: Vượt kế hoạch nhưng vẫn thiếu chỗ học
Năm học 2019-2020 là năm học nền tảng chuẩn bị cho việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, sẽ áp dụng trên cả nước từ năm học 2020-2021. Cũng như một số thành phố lớn, Hà Nội đang gặp khó khăn trong việc xây dựng, mở rộng cơ sở vật chất trường. Đặc biệt, giai đoạn 2008-2018, dù số trường xây mới của Hà Nội vượt tới 37% kế hoạch, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu học tập của học sinh.
“Điệp khúc” thiếu đất, thiếu tiền
Trường Tiểu học Bà Triệu (quận Hai Bà Trưng) được đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, góp phần giảm tải tình trạng thiếu phòng học ở khu vực đông dân cư. Ảnh: Hoàng Hùng |
Ngoài đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất trường, lớp học là yếu tố quan trọng, tác động mạnh mẽ đến chất lượng giáo dục của các nhà trường. Bởi vậy, việc tăng cường đầu tư xây dựng, mở rộng cơ sở vật chất trường, lớp học luôn được ngành Giáo dục Thủ đô đặt là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của năm học, nhất là trong bối cảnh quy mô học sinh ngày càng tăng. Tuy nhiên, việc xây dựng và mở rộng cơ sở vật chất trường, lớp học tại Hà Nội những năm gần đây vấp phải rào cản khó gỡ, đó là ở nội thành thì thiếu đất, ngoại thành thiếu kinh phí.
Nằm trong số các quận lõi, quận Hai Bà Trưng đã phải mất gần 4 năm mới hoàn thành việc xóa trắng trường mầm non công lập tại phường Thanh Nhàn và phường Lê Đại Hành vào năm 2014. Với sự gia tăng dân số cơ học, quy mô học sinh các cấp học tại quận Hai Bà Trưng tăng nhanh, trong khi đó diện tích đất dành cho xây dựng, mở rộng trường học ngày càng hạn hẹp. Theo Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Vũ Văn Hoạt, khó khăn lớn nhất trong việc xây dựng hoặc mở rộng trường học trên địa bàn quận là thiếu quỹ đất, dẫn đến tình trạng sĩ số học sinh ở nhiều trường vượt quá quy định. Tỷ lệ học sinh trung bình/lớp ở các trường tiểu học của quận Hai Bà Trưng hiện là 45 học sinh/lớp, trong khi quy định là 35 học sinh/lớp.
Quận Thanh Xuân cũng trong tình trạng tương tự. Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Xuân Phạm Gia Hữu cho biết, từ năm 2015 đến nay, ngân sách đầu tư cho giáo dục hằng năm của quận luôn chiếm tới 60%, song việc bố trí quỹ đất để xây dựng thêm hoặc mở rộng các trường hiện có rất khó khăn. Một số trường tiểu học chịu áp lực tuyển sinh rất lớn và có sĩ số trung bình 60 học sinh/lớp như: Đặng Trần Côn, Thanh Xuân Trung, Phan Đình Giót...
Khác với các quận, rào cản chung của các huyện như: Ba Vì, Mê Linh, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Ứng Hòa… lại là hạn chế về kinh phí xây dựng trường học. Theo chia sẻ của Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn, huyện rất quan tâm, bố trí quỹ đất dành cho giáo dục, song do nguồn vốn hạn hẹp, nên vẫn còn khó khăn. Để đáp ứng tốt nhu cầu dạy - học, mỗi trường cần được đầu tư khoảng 100 tỷ đồng, nhưng ở Mê Linh, việc đầu tư cho mỗi trường 20 tỷ đồng đã rất khó khăn. Ước tính, nhu cầu về xây dựng trường học mỗi năm của huyện cần từ 300 đến 400 tỷ đồng. Hai thị trấn là Chi Đông và Quang Minh - nơi tập trung hơn 10.000 công nhân khu công nghiệp Quang Minh ở trọ còn rất thiếu trường, quỹ đất thì vẫn còn, nhưng lại thiếu kinh phí.
Còn tại Ba Vì, theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phùng Ngọc Oanh, so với yêu cầu học tập, Ba Vì còn thiếu hàng trăm phòng học, chưa kể còn tới hàng chục trường do xây dựng từ lâu, đã xuống cấp, cần kinh phí để sửa chữa. Trong khi đó, việc huy động xã hội hóa từ phụ huynh học sinh gần như không thể, bởi kinh tế của nhiều gia đình còn khó khăn, chưa có điều kiện quan tâm đến việc học tập của con.
Khó đáp ứng vì tăng dân số cơ học
Việc mở rộng quy mô trường học sẽ giúp học sinh có thêm không gian phát triển cả về thể chất và tinh thần. |
Theo quy định về quy hoạch mạng lưới trường, lớp học, mỗi phường, xã, thị trấn phải có đủ 3 trường công lập ở ba cấp: Mầm non, tiểu học và trung học cơ sở. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều nơi đã xây dựng số trường nhiều hơn nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu học tập. Nguyên nhân là quy mô học sinh liên tục tăng. Năm học 2017-2018, Hà Nội có 105.000 học sinh vào lớp 10, tăng 22.000 em so với năm học trước đó. Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở các cấp học khác, trong đó số học sinh vào lớp 1 tăng 30.000 em, số học sinh vào lớp 6 tăng 18.000 em.
Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Lê Mai Trang cho biết, toàn quận có 44 trường công lập, phân bố đều ở 11 phường và các phường đều có đủ trường công lập ở ba cấp, một số phường còn có từ 2 đến 3 trường mầm non công lập như: Thanh Xuân Trung, Nhân Chính, Kim Giang, Khương Mai… Thế nhưng, chỉ tính từ năm 2016 đến nay, quy mô học sinh của quận đã tăng từ 46.000 em lên 58.000 em, bởi vậy, nhu cầu về chỗ học rất lớn.
Trước kiến nghị của phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Chu Văn An (quận Hoàng Mai) và nhiều phụ huynh có con trong độ tuổi vào lớp 1 năm học 2019-2020 là cần rà soát chính xác số lượng học sinh ra lớp để tránh tình trạng quá tải như đã xảy ra, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Lê Ngọc Quang thông tin: Công tác điều tra số học sinh trong độ tuổi trên toàn thành phố được thực hiện từ tháng 3-2018 để làm căn cứ xây dựng phương án tuyển sinh. Thế nhưng, khi học sinh lớp 1 nhập học vào nhiều trường trên địa bàn thành phố lại cao hơn nhiều số học sinh ở thời điểm điều tra, khiến công tác tuyển sinh gặp không ít khó khăn.
Chẳng hạn, theo kế hoạch tuyển sinh được UBND quận Hoàng Mai phê duyệt, chỉ tiêu tuyển sinh lớp 1 năm học 2018-2019 của Trường Tiểu học Chu Văn An là 964 học sinh, nhưng đến tháng 7-2018, do có thêm nhiều hộ dân chuyển đến các khu chung cư mới, đã có thêm gần 200 trẻ ở độ tuổi vào lớp 1 được xác nhận tạm trú trên địa bàn. Do vậy, tổng số học sinh khối lớp 1 nhập học vào Trường Tiểu học Chu Văn An lên tới 1.145 em, tương đương với quy mô cả một trường.
Qua thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho thấy, trong 10 năm gần đây, nếu như số học sinh tăng 41%, thì số trường cũng đã tăng 37%. Tính đến hết năm 2018, Hà Nội đã xây dựng, cải tạo vượt so với kế hoạch hơn 300 trường học, nhưng một số nơi vẫn xảy ra tình trạng quá tải cục bộ. Đây là bài toán cần sớm có lời giải để đáp ứng nhu cầu học tập, không để học sinh nào thiếu chỗ học, góp phần tạo nền tảng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở Thủ đô.
(Còn nữa)