Công bố dự thảo kết quả kiểm tra việc thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng tại TAND Tối cao
Chính trị - Ngày đăng : 20:29, 17/05/2019
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu. Ảnh: VGP/Lê Sơn |
Đoàn kiểm tra do Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, Trưởng đoàn kiểm tra số 1 chủ trì cuộc họp.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đánh giá cao Ban Cán sự đảng TAND Tối cao đã phối hợp chặt chẽ với Đoàn kiểm tra, quá trình chuẩn bị tài liệu, báo cáo nghiêm túc, công phu của Ban Cán sự đảng TAND Tối cao, giúp cho Đoàn hoàn thành nhiệm vụ.
Theo Phó Thủ tướng Thường trực, việc kiểm tra là công việc thường xuyên của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng (Ban Chỉ đạo). Qua đánh giá tình hình cho thấy công tác phát hiện hành vi tham nhũng của cả hệ thống chính trị những năm gần đây có những chuyển biến tích cực, được dư luận đánh giá cao. Tuy nhiên, công tác thu hồi tài sản tham nhũng chưa đáp ứng được yêu cầu, từ đó ảnh hưởng xấu và giảm hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng.
Việc kiểm tra sẽ giúp cho Ban Chỉ đạo đánh giá đúng thực trạng, tìm ra nguyên nhân dù đã quyết tâm, quyết liệt trong chỉ đạo nhưng kết quả thu hồi tài sản tham nhũng chưa đạt yêu cầu, tỷ lệ còn thấp. Qua kiểm tra, chúng ta chỉ ra những cơ chế, chính sách nào còn thiếu, bất cập, khó thực hiện để kiến nghị Ban Chỉ đạo về phòng chống tham nhũng chỉ đạo tháo gỡ hoặc kiến nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư có giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản tham nhũng. Đây là những vấn đề chủ yếu mà Đoàn kiểm tra và Ban Cán sự đảng TAND Tối cao tập trung rà soát, đánh giá qua công tác kiểm tra.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nêu rõ sau khi báo cáo chính thức của Đoàn kiểm tra được ban hành, gửi Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, Ban Cán sự đảng TAND Tối cao cần ban hành kế hoạch thực hiện có hiệu quả các kiến nghị của Đoàn kiểm tra, nhất là kiến nghị liên quan đến việc hướng dẫn công tác xét xử và thu hồi tài sản tham nhũng, sớm trả lời một số kiến nghị của cơ quan thi hành án dân sự để thi hành phần tài sản liên quan đến bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật liên quan đến thu hồi tài sản tham nhũng…
Theo Đoàn kiểm tra, Ban Cán sự đảng TAND Tối cao đã kịp thời tổ chức quán triệt, triển khai, thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng chống tham nhũng, trong đó có công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; chỉ đạo kịp thời công tác tổ chức xét xử các vụ án có liên quan đến tội phạm tham nhũng, kinh tế; chỉ đạo kịp thời công tác xét xử các vụ án liên quan đến tội phạm tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, dư luận xã hội quan tâm.
Công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế trong thời gian qua đã đạt nhiều kết quả tích cực; yêu cầu của việc thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt ngày càng được quan tâm, chú trọng.
Nhiều vụ án lớn, qua xét xử đã thu hồi được phần lớn số tiền bị thiệt hại, chiếm đoạt về cho Nhà nước như vụ Giang Kim Đạt và đồng phạm, vụ Hứa Thị Phấn và đồng phạm…
Bên cạnh những kết quả đạt được, Báo cáo của Đoàn kiểm tra cũng nêu lên những khó khăn, vướng mắc cần khắc phục.
Đó là việc kiểm tra, giám sát chuyên đề về công tác thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế thực hiện còn ít, chưa thường xuyên; trong một số vụ án, Hội đồng xét xử chưa quan tâm đúng mức đến việc truy thu tiền, tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong vụ án; có trường hợp Tòa án chậm giải thích bản án khi cơ quan thi hành án đề nghị; có trường hợp Tòa án tuyên không rõ ràng, khó thi hành.
Báo cáo của Đoàn kiểm tra chỉ ra những khó khăn, vướng mắc đối với công tác này của TAND Tối cao. Đó là, các vụ án tham nhũng, kinh tế thường do nhiều người thực hiện, việc chứng minh đồng phạm và xác định tội danh của các bị cáo trong một số vụ án gặp nhiều khó khăn do diễn biến hành vi tội phạm của các bị cáo rất phức tạp, liên quan đến nhiều người, nhiều công đoạn, pháp luật hiện hành chưa có quy định hoặc quy định chưa chặt chẽ, rõ ràng, cụ thể. Do vậy, các bên khi tranh tụng, nhận thức và đánh giá không thống nhất.
Công tác giám định tư pháp, nhất là giám định về tài chính, kế toán, xây dựng còn nhiều bất cập, vướng mắc...
Nhiều vụ án tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng có yếu tố nước ngoài phải yêu cầu tương trợ tư pháp, song việc yêu cầu nước ngoài, nhất là những nước chưa ký kết Hiệp định Tương trợ tư pháp gặp khó khăn.
Ảnh: VGP/Lê Sơn |
Theo Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình, Tòa án các cấp quán triệt việc xét xử nghiêm túc các vụ án tham nhũng, có khi còn tuyên mức án nặng hơn đề nghị của Viện Kiểm sát, tài sản tham nhũng được thu hồi triệt để.
TAND Tối cao đã thành lập các đoàn kiểm tra công tác xét xử của Tòa án cấp dưới một cách nghiêm túc, nhất là đối với vụ án tham nhũng, kinh tế. Qua công tác kiểm tra nhằm chấn chỉnh, phát hiện các sai sót, lập lại kỷ cương, kỷ luật đối với công tác xét xử, nhiều bản án được kháng nghị qua các đợt kiểm tra, đã có hơn 400 đợt kiểm tra các loại trong toàn ngành Toà án với nhiều nội dung khác nhau.
“Quá trình kiểm tra, nếu phát hiện những thẩm phán có án hủy, án sửa do lỗi chủ quan đều kỷ luật và dừng xem xét việc tái bổ nhiệm”, ông Nguyễn Hòa Bình nói.