Cách xử trí khi bị say nắng
Xã hội - Ngày đăng : 10:20, 18/05/2019
Trao đổi với PV HNMO, bác sĩ Nguyễn Thành Trung, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cho biết, từ đầu hè đến nay, trong những đợt nắng nóng, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông mỗi ngày tiếp nhận 2-3 trường hợp bị say nắng.
Say nắng xảy ra khi lao động hoặc đi quá lâu ở ngoài trời nắng, nhiều tia nắng chiếu thẳng vào vùng cổ, gáy. Dưới tác động liên tục của ánh sáng mặt trời gay gắt, trung tâm điều hòa thân nhiệt cơ thể bị chấn động, làm rối loạn điều hòa thân nhiệt cùng với hiện tượng mất nước cấp của cơ thể.
Ra ngoài hoặc làm việc lâu ở ngoài trời vào những ngày nắng nóng gay gắt dễ bị say nắng. Ảnh: Quang Thái |
Say nắng có biểu hiện điển hình là: Tăng thân nhiệt (nhiệt độ cơ thể có thể lên đến hơn 40 độ C), tăng nhịp tim, đau đầu, choáng váng, da nóng, mặt đỏ, chân tay rã rời, khó thở; trường hợp nặng hơn có thể ngất, hôn mê, trụy tim mạch, thậm chí tử vong.
“Khi gặp trường hợp say nắng, điều quan trọng trước tiên là nhanh chóng tiến hành những biện pháp sơ cứu”, bác sĩ Trung nói.
Cụ thể, cần đưa bệnh nhân vào chỗ râm mát, thoáng gió, sau đó cởi bớt quần áo, cho bệnh nhân uống nước mát có pha muối, tiến hành hạ thân nhiệt bằng cách chườm lạnh bằng khăn mát hoặc khăn có đá ở những vị trí có động mạch lớn đi qua như cổ, nách, bẹn giúp nạn nhân nhanh chóng hạ nhiệt.
“Nếu bệnh nhân hôn mê không uống được nước hoặc nôn liên tục, sốt tăng, kèm các triệu chứng đau bụng, đau ngực, khó thở thì phải nhanh chóng chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Trong quá trình vận chuyển vẫn thường xuyên chườm mát cho bệnh nhân”, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông tư vấn.
Theo bác sĩ Nguyễn Thành Trung, với những trường hợp bị say nắng, nếu được điều trị sớm, tích cực, bù dịch đầy đủ thì tỷ lệ sống đạt trên 90%. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, nếu không được xử trí kịp thời, đúng phương pháp thì nạn nhân có thể gặp phải những di chứng thần kinh không hồi phục, thậm chí tử vong.
Để phòng say nắng, chuyên gia này khuyến cáo, người dân nên hạn chế ra ngoài trời những ngày nắng nóng, đặc biệt là trong thời gian từ 10h đến 15h.
Trong trường hợp bắt buộc phải ra ngoài hoặc làm việc ở ngoài trời, cần có bảo hộ như mặc quần áo dày, sáng màu để tránh hấp thụ nhiệt, đội mũ rộng vành, đeo kính râm, dùng kem chống nắng; nên nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát 15-20 phút sau khi làm việc 45 phút hoặc tối đa 1 tiếng ở ngoài trời; uống nhiều nước dù không khát; tránh uống đồ có cồn, cà phê và đường.