Bản Di chúc chan chứa tấm lòng một hiền nhân!

Chính trị - Ngày đăng : 08:09, 18/05/2019

LTS: Là người suốt đời tận trung với nước, tận hiếu với dân, luôn nỗ lực đấu tranh cho một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh, cho phong trào cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người, khi chuẩn bị cho chuyến đi xa vĩnh viễn của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kiệm lời để lại “mấy dòng”, hàm chứa trong đó những lời dặn lại đầy tâm huyết, khiêm nhường của một người cộng sản, thấm đẫm chất nhân văn, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc và thời đại.

Bài đầu: “Tài liệu tuyệt đối bí mật” và mấy điều căn cốt dặn lại


Vào những năm 60 của thế kỷ XX, nhận thức sâu sắc quy luật của tạo hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh khi còn anh minh, tỉnh táo đã dành mỗi ngày từ 1 đến 2 giờ trong những ngày tháng 5 đẹp trời (từ năm 1965 đến năm 1969) để viết “Tài liệu tuyệt đối bí mật” - bản Di chúc lịch sử, để lại cho hậu thế một tình thương yêu vô bờ bến. Dù chỉ là “mấy dòng”, nhưng Bác không viết một lần, mà trong những năm ấy, cứ vào dịp kỷ niệm ngày sinh của mình, Người lại đọc, suy ngẫm, trăn trở về những điều cần phải chỉnh sửa và bổ sung từng đoạn, từng phần cho đến khi trở về với thế giới người hiền lúc 9h47 ngày 2-9-1969.


Dùng ngôn từ ngắn gọn, giản dị nhất để biểu đạt cái lớn lao của tư tưởng, sâu sắc của tâm hồn, Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh “là một áng văn tuyệt bút”, là những lời đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc và thời đại, hội tụ trong đó hoài bão, tình cảm và đạo đức của người Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn. Những điều tâm huyết của Người trong Di chúc “là sự thức tỉnh của nhân tâm, của trí tuệ, của dũng khí”. Đó cũng chính là lời cuối của một con người biết nói lên những lời cần nói vào thời khắc quan trọng, chứa chan tấm lòng một hiền nhân đối với con người, thiên nhiên, quê hương đất nước. Đó còn là lời phản ánh tư tưởng, tình cảm, đạo đức và tâm hồn một người con ưu tú của dân tộc; hiện thân tinh thần, tài năng và tâm hồn của người dân Việt Nam, của tinh thần yêu tự do tha thiết, bình dị mà vĩ đại, dân tộc mà thời đại.

Hiến dâng cuộc đời mình cho cuộc đấu tranh giải phóng con người, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ trở thành “một nhà tiên tri châu Á báo trước công cuộc giải phóng của các dân tộc bị áp bức”, khổ đau mà Người còn tiên lượng và dặn lại trước những công việc cần thiết một Đảng cầm quyền phải thực hiện để xây dựng lại đất nước Việt Nam đàng hoàng hơn, to đẹp hơn trong tương lai. Vì vậy mà, dù rất ngắn gọn, nhưng Di chúc “thuộc vào gia tài của nhân loại, cái gia tài của mọi dân tộc yêu tự do, giải phóng đã phải tiến hành đấu tranh chống lại ách thực dân hay đế quốc”[1], nhằm thực hiện khát vọng làm người cao cả nhất.

Thể hiện sinh động nhất phép xử thế của một nhà văn hóa lớn, là biểu tượng kết tinh truyền thống lịch sử và văn hóa, tâm hồn và đạo đức của dân tộc Việt Nam được xây dựng và bồi đắp qua hàng nghìn năm lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, Di chúc của Người tràn đầy niềm tin tất thắng vào cuộc chiến đấu chính nghĩa của nhân dân Việt Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược, góp phần vào sự nghiệp hòa bình thế giới. Người khẳng định: “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn”[2] và dù phải hy sinh nhiều của, nhiều người nhưng “Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất”, “đồng bào Nam Bắc nhất định sum họp một nhà”. Nhân dân Việt Nam vinh dự, vì “đã anh dũng đánh thắng 2 đế quốc to - là Pháp và Mỹ và góp phần xứng đáng vào phong trào giải phóng dân tộc”. Người “có ý định đến ngày đó” sẽ đi khắp hai miền Nam Bắc chúc mừng đồng bào và chiến sĩ cả nước, đồng thời thay mặt nhân dân Việt Nam “đi thăm và cảm ơn” bè bạn quốc tế đã “tận tình ủng hộ và giúp đỡ” cuộc kháng chiến của nhân dân ta…

Tiếp đó, Người dành những điều “trước hết nói về Đảng” và nhấn mạnh “việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng”, để Đảng thực sự là đạo đức, là văn minh. Theo Người, yêu cầu bức thiết, nhiệm vụ trọng yếu của Đảng cầm quyền trước mỗi bước chuyển của cách mạng là: “Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”[3]; “trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau” để “củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng”, để “dù công việc to lớn mấy, khó khăn mấy chúng ta cũng nhất định thắng lợi”. Đồng thời, để thật sự “xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”, mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên và thanh niên phải thấm nhuần “đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” và vượt lên hết thảy là phải sống với nhau có tình, có nghĩa.

Chan chứa niềm tin yêu và sự kỳ vọng vào thế hệ trẻ nước nhà, khẳng định vị trí và tầm quan trọng của thế hệ trẻ trong việc tiếp bước, kế tục thế hệ cha anh trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ dành những dòng thiết tha khen ngợi đoàn viên, thanh niên, phụ nữ, thiếu nhi... đã đóng góp công sức của mình trong sự nghiệp cách mạng mà còn nhấn mạnh rằng: “Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa “hồng” vừa “chuyên”. Theo Người, “bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và cần thiết”[4] và đó là công việc trọng yếu của Đảng, nhằm tạo dựng lực lượng rường cột, hậu bị có đức và có tài để xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là một người cộng sản Việt Nam mẫu mực mà còn là người chiến sĩ cộng sản quốc tế trong sáng, thủy chung, luôn quan tâm đến sự phát triển chung của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Vì thế, trong Di chúc, Người viết: “Là một người suốt đời phục vụ cách mạng, tôi càng tự hào với sự lớn mạnh của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế bao nhiêu, thì tôi càng đau lòng bấy nhiêu vì sự bất hòa hiện nay giữa các đảng anh em!”[5] và căn dặn “Đảng ta sẽ ra sức hoạt động, góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết” quý báu giữa các Đảng anh em “trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý, có tình”.

Với những gì Người trăn trở và tâm huyết dặn lại, “Bác Hồ cùng với bản Di chúc của Người là thuộc về tất cả phong trào cộng sản, công nhân và cách mạng trên thế giới. Người được liệt vào những bậc mà thân thế và sự nghiệp đã vượt ra ngoài phạm vi biên giới của Tổ quốc mình”[6].

(Còn nữa)

-------------------------
[1] Hội thảo quốc tế về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội,1990, tr.42
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.15, tr.621
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.115, tr.622
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.622
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.623
[6] Báo Quyền lợi đỏ, Praha, Tiệp Khắc, ngày 9-9-1989.

Tiến sĩ Văn Thị Thanh Mai