Sớm thay đổi thói quen
Góc nhìn - Ngày đăng : 07:23, 20/05/2019
Văn hóa nói chung vốn được hình thành qua hoạt động của con người. Tương tự, văn hóa công sở cũng hình thành từ ý thức, hành động của mỗi cán bộ, công chức, từ đó xây dựng nên giá trị văn hóa của mỗi cơ quan, đơn vị.
Như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ phát động phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”, tổ chức sáng 19-5-2019, thì: "Giống như mọi văn hóa khác, văn hóa công sở không thể cân đong, đo đếm được trực tiếp mà được hình thành từ trong ý thức của từng người, tạo nên niềm tin giá trị, động lực thôi thúc cách ứng xử làm việc của mỗi cá nhân".
Đất nước mở cửa, chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch, tập trung quan liêu bao cấp sang kinh tế thị trường rồi hội nhập quốc tế sâu rộng. Bên cạnh những mặt tích cực là không ít vấn đề xã hội tiêu cực nảy sinh không dễ giải quyết trong ngày một ngày hai. Và những vấn đề đó có tác động, ảnh hưởng tới môi trường công sở - vốn luôn chịu áp lực, đòi hỏi cao từ xã hội - suy cho kỹ cũng là bình thường, bởi cán bộ, công chức cũng phải chịu sức ép cuộc sống như bao người.
Trước những tác động tiêu cực của xã hội tới văn hóa công vụ, ngày 2-8-2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quy chế văn hóa công sở tại các cơ quan hành chính nhà nước với những quy định cụ thể từ trang phục tới hành vi giao tiếp, ứng xử với người dân, đồng nghiệp,… Vậy tại sao vẫn có những cán bộ, công chức có hành vi, giao tiếp phản cảm, gây bức xúc dư luận?
Có nhiều nguyên nhân, nhưng có lẽ nguyên nhân chính là do thói quen làm việc cũ chưa được thay đổi, bắt kịp sự phát triển của xã hội. Sự duy tình, cả nể, xuê xoa, dễ dãi, “trăm cái lý không bằng tí cái tình” vẫn hiện diện trong các cơ quan công sở, ngay cả với người đứng đầu. Từ đó dẫn tới các quy định, quy chế không được thực hiện nghiêm túc, cán bộ, công chức vẫn ăn bớt thời gian làm việc, đủng đỉnh trong phục vụ người dân. Thói quen làm việc chưa thay đổi, tất sẽ khó có kết quả, hiệu quả mong muốn.
Trước tình hình đó, ngày 27-12-2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1847/QĐ-TTg phê duyệt Đề án văn hóa công vụ. So với Quy chế văn hóa công sở tại các cơ quan hành chính nhà nước ban hành năm 2007, đề án đã có sự thay đổi mạnh mẽ từ hướng tiếp cận tới yêu cầu thực hiện. Mục tiêu nhắm tới là “Nâng cao văn hóa công vụ, góp phần hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; bảo đảm tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả trong hoạt động thực thi nhiệm vụ, công vụ; đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân, xã hội”.
Ngoài yêu cầu với cán bộ, công chức, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong thực hiện văn hóa công vụ được đề cao rõ nét. Trước đó, nhiều bộ, ngành, địa phương đã ban hành Quy tắc ứng xử. Trong đó, thành phố Hà Nội đã ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội và Quy tắc ứng xử nơi công cộng.
Hai quy tắc được triển khai thực hiện nghiêm túc, cộng với đẩy mạnh cải cách hành chính đã tạo bước chuyển biến mạnh mẽ ở thành phố. Dù đã có hiệu quả, nhưng như đã nói không dễ sửa đổi hoàn toàn lối làm việc cũ, và những hành vi giao tiếp, ứng xử công sở không phù hợp chưa hoàn toàn được ngăn chặn.
Để xây dựng, thực hiện tốt văn hóa công vụ, các bộ, ngành, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương phải vào cuộc quyết liệt, tích cực hơn, ngay từ người đứng đầu, theo tinh thần làm việc của một chính phủ kiến tạo!
Đó cũng chính là tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi phát động phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”. Theo đó, văn hóa công sở là đúng giờ, không đi trễ về sớm; là gắn với trách nhiệm thực thi công vụ của mỗi cán bộ, công chức. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải đi đầu, gương mẫu trong thực hiện việc xóa bỏ ngay thứ văn hóa "không nhúc nhích", “nước đến chân mới nhảy”, nhắc thì làm, không nhắc thì cũng làm nhưng làm chậm, chậm trễ trong xử lý nhiệm vụ được giao. Thực hiện lấy trách nhiệm công vụ là trung tâm, văn hóa là gốc, đặt giá trị tập thể lên trên lợi ích cá nhân, lấy lợi ích người dân, doanh nghiệp làm mục tiêu…
Muốn thực hiện tốt điều đó, mỗi cán bộ, công chức phải thay đổi suy nghĩ, thói quen làm việc.
Cách đây 72 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” với những dẫn chứng, khuyên nhủ rất gần gũi, dễ hiểu. Đọc lại những tác phẩm của Bác, học Bác, sớm thay đổi thói quen, sửa đổi lối làm việc (ngay trong việc nhỏ) sẽ hình thành được văn hóa, văn hóa công vụ chuẩn mực!