“Nói không” với rác thải nhựa
Công nghệ - Ngày đăng : 07:40, 20/05/2019
Sinh viên Trường Đại học Kinh tế - Tài chính thành phố Hồ Chí Minh thuyết trình về đề tài nghiên cứu “Giảm thiểu rác thải nhựa trong các sinh hoạt hằng ngày”. |
Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, chỉ riêng hai đô thị lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, trung bình một ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi ni lông... Đáng chú ý, lượng túi ni lông tăng theo từng năm. Đây chính là gánh nặng với môi trường, lâu dài có thể dẫn đến thảm họa mà các chuyên gia môi trường gọi là “ô nhiễm trắng”.
Xuất phát từ thực trạng trên, nhiều trường đại học trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đã đẩy mạnh việc “tuyên chiến” với rác thải nhựa. Đơn cử, Trường Đại học Mở thành phố Hồ Chí Minh ra quyết định không sử dụng nước uống đóng chai nhựa, ống hút nhựa, các vật dụng như ly, dĩa, muỗng sử dụng một lần bằng nhựa trong tất cả các cuộc họp tại trường từ ngày 5-5-2019; từ ngày 15-5, tất cả phòng học ngừng phục vụ nước uống đóng chai nhựa cho giảng viên...
Tại Trường Đại học Kinh tế - Tài chính thành phố Hồ Chí Minh, nhà trường đã công bố các đề tài của môn học thiết kế dự án với chủ đề “Môi trường”, với hơn 40 đề tài tham gia của 380 sinh viên. Trong đó, có 3 đề tài được đánh giá cao như: Thay thế thói quen sử dụng ống hút nhựa bằng ống hút cỏ, ống hút bột gạo hoặc inox; xử lý rác thải ni lông và nhựa để làm gạch sinh thái; tuyên truyền tác hại, giới thiệu, cung cấp thay thế túi ni lông bằng túi vải hoặc túi bột ngô cho các bà nội trợ tại chợ Thị Nghè (quận Bình Thạnh).
Bạn Lê Thị Mỹ Trà (sinh viên năm thứ hai, Khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế - Tài chính) cho biết: “Thấy các bạn sinh viên khác đều mang cặp lồng, chai thủy tinh vào đựng đồ ăn, thức uống nên em và các bạn cũng thay đổi thói quen sử dụng đồ nhựa. Qua đó, em và các bạn có được thói quen "sống xanh", hạn chế tối đa việc sử dụng các sản phẩm gây ô nhiễm, thay đổi nhận thức và hành động trong việc tham gia bảo vệ môi trường”.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Tiến sĩ Hồ Viễn Phương, Chánh Văn phòng Trường Đại học Kinh tế - Tài chính thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thời gian tới, nhà trường tiếp tục tuyên truyền, vận động, khuyến khích các cán bộ, giảng viên, sinh viên sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, ít độc hại để thay thế dần cho các sản phẩm có nguồn gốc từ nhựa. Đặc biệt, nhà trường đẩy mạnh và khuyến khích các đề tài nghiên cứu khoa học về vấn đề này để áp dụng vào cuộc sống và tiến đến trường học thân thiện với môi trường.
Tương tự, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Hà, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Mở thành phố Hồ Chí Minh cho hay, trong những năm qua trường có nhiều hoạt động tuyên truyền bảo vệ môi trường nhưng kết quả cho thấy, các hoạt động của trường có dùng nước uống đóng chai như tổ chức sự kiện, họp, hội thảo... trung bình hằng năm đã thải ra môi trường 124.920 chai nhựa. Để bảo vệ môi trường, trường ra quyết định không sử dụng nước uống đóng chai nhựa, ống hút nhựa và các vật dụng như ly, dĩa, muỗng sử dụng một lần bằng nhựa nhằm tạo thói quen cho sinh viên, giảng viên, nhân viên...
Nói về vấn đề “tuyên chiến” với rác thải nhựa trong các trường đại học tại thành phố Hồ Chí Minh hiện nay, ông Phạm Đức Hải, Phó Chủ tịch HĐND thành phố cho hay, trên địa bàn thành phố, nhiều cấp học tham gia chống rác thải nhựa là một tín hiệu vui. Tuy nhiên, cần có sự chung tay của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp và từng người dân thì hiệu quả mới cao và toàn diện.