Hà Nội: Số ca mắc sởi chủ yếu chưa được tiêm chủng
Sức khỏe - Ngày đăng : 17:21, 20/05/2019
Phun hóa chất diệt muỗi phòng chống sốt xuất huyết tại Hà Nội |
Số mắc sốt xuất huyết tăng so với cùng kỳ năm 2018 nhưng giảm so với trung bình cùng kỳ 5 năm (trung bình giai đoạn 2014-2018 ghi nhận 254 ca), đặc biệt là giảm mạnh so với năm 2017, năm có dịch lớn (672 ca).
Theo nhận định, sốt xuất huyết là bệnh lưu hành thường xuyên tại Hà Nội, hiện nay, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố ở mức thấp nhưng các yếu tố nguy cơ để sốt xuất huyết phát sinh, phát triển thành dịch vẫn luôn tồn tại như: Tình trạng ô nhiễm môi trường với nhiều phế thải, phế liệu tồn đọng là nơi muỗi đẻ trứng, mật độ dân cư cao, nhiều khu vực nhà trọ, công trường xây dựng với điều kiện ăn, ở tạm bợ...
“Vì vậy, để chủ động phòng chống dịch bệnh này, các quận, huyện, thị xã cần chủ động, tích cực tập trung các biện pháp vệ sinh môi trường diệt bọ gậy và diệt muỗi truyền bệnh”, đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội khuyến cáo.
Về bệnh sởi, từ đầu năm đến nay, Hà Nội ghi nhận 1.274 trường hợp mắc nhưng chưa ghi nhận ổ dịch lớn, tập trung và chưa có ca bệnh nặng, tử vong.
Bệnh nhân mắc sởi rải rác ở 387/584 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Người mắc bệnh ở nhiều lứa tuổi, nhưng chiếm tỷ lệ lớn là chưa được tiêm chủng (dưới 9 tháng và trên 16 tuổi).
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, mặc dù tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ vắc xin sởi luôn đạt so với tỷ lệ chung của quốc gia (95%-97%), nhưng hằng năm vẫn còn khoảng 3%-5%, tương đương 5.000-8.000 trẻ không được tiêm vắc xin sởi, là đối tượng dễ mắc bệnh sởi.
Bên cạnh đó, hằng năm, số trẻ em, học sinh, sinh viên, người lao động ở nơi khác đến Hà Nội sinh sống, học tập, làm việc chưa được tiêm chủng đầy đủ vắc xin sẽ tạo thành khối cảm thụ đủ lớn không có miễn dịch với bệnh sởi. Đây là nguy cơ lây lan virus sởi và gây dịch.