Thu ngân sách nhà nước vượt dự toán 6,7%, khẳng định nỗ lực của Chính phủ và các cấp

Tài chính - Ngày đăng : 18:11, 20/05/2019

(HNMO) - Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội chỉ ra dư nợ công năm 2017 và dư nợ Chính phủ đều trong giới hạn cho phép.

Chiều 20-5, các đại biểu Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo thẩm tra quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017.


Tuy nhiên, việc lập và giao dự toán chưa sát thực tế, dẫn đến một số khoản thu vượt dự toán khá lớn song nhiều khoản thu quan trọng từ sản xuất, kinh doanh không đạt dự toán, tăng thu chủ yếu từ đất và dầu thô. Một số khoản thu lập, giao dự toán vượt quá khả năng thực hiện nên ngân sách trung ương hụt thu năm thứ 3 liên tiếp.

Ủy ban Tài chính Ngân sách cũng chỉ ra một số hạn chế trong chi ngân sách nhà nước như công tác lập, giao dự toán chi ngân sách còn bất cập; vẫn còn tình trạng giao dự toán không đúng quy định; tình trạng giải ngân vốn đầu tư chậm; quản lý, sử dụng vốn đầu tư chưa đúng quy định chưa được khắc phục; nhiều khoản chi quan trọng không đạt dự toán và vẫn còn tình trạng chưa tuân thủ đúng các tiêu chuẩn, chế độ, định mức chi…

Trước đó, trình bày trước Quốc hội về quyết toán NSNN năm 2017, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định, nhiệm vụ chi NSNN năm 2017 đã được thực hiện theo nghị quyết của Quốc hội, HĐND các cấp. 

Tuy nhiên, tình trạng chi sai chế độ vẫn còn ở một số đơn vị, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị thu hồi khoản chi sai chế độ hàng trăm tỷ đồng, Kho bạc Nhà nước phát hiện nhiều khoản chi không đúng định mức quy định; việc triển khai nhiệm vụ chi ngân sách ở một số bộ, cơ quan trung ương, địa phương còn chậm so với quy định, đặc biệt là mua sắm hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật về đấu thầu, nên chuyển nguồn sang năm sau thực hiện tiếp theo chế độ quy định.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải.


Theo Ủy ban Tài chính - Ngân sách, bội chi NSNN năm 2017 là 136.963 tỷ đồng, giảm 41.337 tỷ đồng và 0,76% so với GDP, thể hiện Chính phủ đã có nhiều nỗ lực trong quản lý, điều hành ngân sách và kiểm soát bội chi.

“Bội chi NSNN năm 2017 giảm so với dự toán chủ yếu là do việc giải ngân các dự án đầu tư sử dụng vốn vay chậm, chưa thực sự là do tiết kiệm chi để giảm vay. Chính phủ cần lưu ý để quản lý, điều hành NSNN hiệu quả hơn”, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách lưu ý.

Về quản lý nợ công, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực để kiểm soát nợ công. Dư nợ công năm 2017 bằng 61,37% GDP và dư nợ Chính phủ bằng 51,67% GDP đều trong giới hạn cho phép. Các khoản vay đa dạng kỳ hạn nợ, kỳ hạn vay năm 2017 được nâng lên bình quân đạt 12,74 năm; lãi suất vay bình quân năm 2017 là 5,98%/năm.

Tuy nhiên, báo cáo thẩm tra nêu tổng số nợ công tăng thêm so với 2016 là 7,13%, số tiền 204.413 tỷ đồng, quy mô nợ tiếp tục tăng qua các năm. Ngân sách trung ương vẫn chưa có thặng dư để trả nợ. Bên cạnh đó, ứng trước dự toán ngân sách trung ương lớn, hết năm 2017 là 86.339 tỷ đồng, và có xu hướng tăng. Nội dung này tuy không tính trong nợ công nhưng là nghĩa vụ bố trí của ngân sách nên càng khó khăn cho thu xếp nguồn trả nợ các năm sau...

Do đó, Chính phủ cần quan tâm để tiếp tục kiểm soát nợ công và cải thiện dần khả năng trả nợ trực tiếp từ thặng dư ngân sách.

Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội thống nhất với báo cáo, số liệu của Chính phủ và trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2017 như sau:

- Tổng số thu cân đối NSNN là 1.683.045 tỷ đồng (bao gồm cả nguồn năm 2016 chuyển sang năm 2017, thu kết dư ngân sách địa phương (NSĐP) năm 2016, và thu từ quỹ dự trữ tài chính theo quy định của Luật NSNN và chênh lệch bội thu với bội chi ngân sách địa phương để trả nợ gốc 9.521 tỷ đồng).

- Tổng số chi cân đối NSNN là 1.681.414 tỷ đồng (bao gồm cả nguồn năm 2017 chuyển sang năm 2018).

- Bội chi NSNN là 136.963 tỷ đồng, bằng 2,74% GDP (không bao gồm kết dư ngân sách địa phương 129.073 tỷ đồng). 

Ngân Hạ