Bảo vệ, giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng
Xây & Chống - Ngày đăng : 06:28, 20/05/2019
Những bài học đau xót
Trong hơn 3 năm đầu tiên của nhiệm kỳ Đại hội Đảng khóa XII, đã có gần 70 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý bị kỷ luật. Trong đó, có 5 đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng đương nhiệm và 3 đồng chí trong số đó đã bị đưa ra khỏi Ban Chấp hành Trung ương. Điểm lại các trường hợp nêu trên, nhất là một số vụ việc mà Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận, quyết định thi hành kỷ luật và đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật từ năm 2017 đến nay cho thấy, hầu hết các tổ chức, cá nhân liên quan đều vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng. Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ diễn ra ở nhiều lĩnh vực, từ công tác cán bộ đến quản lý, sử dụng đất, thực hiện các dự án phát triển kinh tế; liên quan trực tiếp đến cán bộ cấp cao, nguyên cán bộ cấp cao, trong đó có cả cấp bộ trưởng, thứ trưởng, cán bộ cấp tướng trong lực lượng vũ trang.
Điển hình là các vụ việc xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam liên quan đến ông Đinh La Thăng và các nguyên lãnh đạo cấp cao đơn vị này; là vụ Tổng công ty Viễn thông MobiFone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần Nghe nhìn Toàn Cầu (AVG) liên quan đến nhiều cán bộ, trong đó có hai nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn. Đó là vi phạm xảy ra tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) liên quan đến ông Trần Bắc Hà (nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV) và một số lãnh đạo đơn vị này...
Mới đây nhất, kỳ họp thứ 35 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương (họp từ ngày 24 đến 26-4-2019) đã ra kết luận, trong đó nêu rõ 3 vụ việc vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tập trung dân chủ. Đó là Ban Cán sự đảng Bộ Giao thông - Vận tải giai đoạn 2011-2016 có sai phạm trong cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại một số doanh nghiệp thuộc Bộ này; là Ban Thường vụ Quân chủng Hải quân có vi phạm trong vấn đề quản lý, sử dụng đất quốc phòng. Ngoài ra còn là vụ việc để xảy ra vi phạm, khuyết điểm trong công tác quản lý, sử dụng đất tại Sư đoàn 8, Quân khu 9, liên quan đến Trung tướng Nguyễn Hoàng Thủy (Phó Bí thư Đảng ủy, Tư lệnh Quân khu 9) và Đại tá Trương Thanh Nam (Phó Tham mưu trưởng Quân khu 9, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 8, Quân khu 9).
Điểm chung của những vụ việc nêu trên phần lớn đều do ban thường vụ cấp ủy đã không thực hiện đầy đủ chế độ sinh hoạt Đảng và nguyên tắc tập trung dân chủ. Dễ thấy nhất là hiện tượng tách rời giữa tập trung và dân chủ; lợi dụng sự tập trung để lấy tập thể che chắn, lấp liếm nhằm ý chí hóa cá nhân lãnh đạo, dẫn tới các hành vi gia trưởng, độc đoán của người đứng đầu cấp ủy. Khi người đứng đầu áp đặt, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, các thành viên trong ban thường vụ, cấp ủy cũng “đoàn kết hình thức, xuôi chiều” nên dễ dàng bị “định hướng” theo ý chí của người đứng đầu.
Quyền lực đến đâu, trách nhiệm đến đó
Là Đảng cách mạng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng, từ ngày thành lập đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản của Đảng.
Nguyên tắc tập trung dân chủ chỉ đạo toàn bộ hoạt động xây dựng tổ chức, sinh hoạt và lãnh đạo của Đảng, đồng thời cũng chi phối các nguyên tắc tổ chức, hoạt động khác của Đảng. Nội dung cơ bản của nguyên tắc này được quy định tại Điều 9 của Điều lệ Đảng hiện hành, trong đó nêu rõ: “Tổ chức Đảng quyết định các vấn đề thuộc phạm vi quyền hạn của mình, song không được trái với nguyên tắc, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và nghị quyết của cấp trên”...
Thực tế cho thấy, chế độ “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” ở nhiều nơi rơi vào hình thức, do không xác định rõ cơ chế trách nhiệm, mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân, khi sai sót, khuyết điểm không ai chịu trách nhiệm. Và đây chính là điều cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy và người đứng đầu cấp ủy hay vi phạm nhất, qua xem xét những vụ “đại án” được đưa ra xét xử thời gian qua.
Vậy làm thế nào để thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng, tránh được những sai phạm nghiêm trọng?
Trước hết, cần làm rõ nội dung, yêu cầu và nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về nguyên tắc tập trung dân chủ. Cấp ủy Đảng các cấp cần thực hiện nghiêm túc chế độ tập thể lãnh đạo đi đôi với cá nhân phụ trách. Thể chế hóa quan điểm này thành các quy chế, quy định cụ thể về tổ chức, lề lối làm việc, phân định rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân, quy định rõ thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị để vừa bảo đảm tập thể lãnh đạo, vừa tăng cường trách nhiệm cá nhân.
Trong Đảng và trong xã hội cần mở rộng dân chủ, bảo đảm thực hiện quyền làm chủ của nhân dân đi đôi với củng cố, tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong Đảng. Muốn vậy, phải thực hiện tốt cơ chế phát huy dân chủ, bảo đảm quyền của đảng viên, như quyền được thảo luận, chất vấn, phê bình, thông tin, bảo lưu ý kiến. Đổi mới bầu cử trong Đảng và phương thức tuyển chọn, bổ nhiệm, luân chuyển, đề bạt cán bộ để lựa chọn đúng người có bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ chuyên môn cao, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vào những vị trí lãnh đạo, đặc biệt là người đứng đầu… cũng là nhằm bảo đảm và giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng.
Đặc biệt, mở rộng dân chủ phải đi đôi với củng cố, tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong Đảng, có cơ chế hữu hiệu để kiểm soát quyền lực theo hướng quyền lực đến đâu, trách nhiệm đến đó. Mọi tổ chức Đảng và đảng viên phải chấp hành nghị quyết, chỉ thị của Đảng, nói và làm theo nghị quyết của Đảng. Ngoài tăng cường kiểm tra, giám sát thì rất cần xử lý nghiêm minh, kịp thời những tổ chức Đảng, đảng viên vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ theo hướng “không có vùng cấm” như thời gian qua.
Khi nguyên tắc tập trung dân chủ được giữ vững và thực hiện tốt, ý kiến của mọi người được tôn trọng, nguy cơ "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong cán bộ, đảng viên sẽ không có cơ hội phát triển, lây lan.