Công tác Đảng tại các doanh nghiệp ngoài nhà nước: Nhìn từ Hà Nội
Nghị quyết và Cuộc sống - Ngày đăng : 06:14, 20/05/2019
Công ty cổ phần Thực phẩm Minh Dương (huyện Hoài Đức) là doanh nghiệp tư nhân có tổ chức Đảng và các đoàn thể được thành lập sớm. Ảnh: Bá Hoạt |
Bài đầu: Đi trước một bước
Xác định rõ vai trò, tầm quan trọng của công tác phát triển Đảng tại khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội khóa XV đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU. Qua thời gian triển khai, Nghị quyết đã khẳng định tinh thần đi trước đón đầu của Đảng bộ Hà Nội, hướng tới việc xây dựng những cơ sở Đảng vững mạnh tại doanh nghiệp, từ đó góp phần tích cực vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Thủ đô.
Nỗ lực bám sát, linh hoạt giải pháp
Xác định rõ vai trò, vị thế của Đảng bộ Hà Nội và nhận thấy trên địa bàn thành phố đang tập trung số lượng lớn doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội khóa XV đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 27-2-2012 về “Tăng cường công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn từ nay đến năm 2020” nhằm tăng cường công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân tại khu vực này.
Thành ủy Hà Nội xác định, công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể tại khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, là trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở.
Mục tiêu được đặt ra tại Nghị quyết số 09-NQ/TU là: Phấn đấu mỗi năm thành lập mới từ 200 đến 300 tổ chức Đảng; 400 đến 450 tổ chức Công đoàn; 250 đến 350 tổ chức Đoàn, Hội Liên hiệp thanh niên; xây dựng, củng cố tổ chức Hội Phụ nữ trong các doanh nghiệp...
Nguyên Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, nguyên Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước thành phố Hà Nội Tưởng Phi Chiến cho biết, những ngày đầu triển khai Nghị quyết số 09-NQ/TU, việc chủ doanh nghiệp chưa thông, thiếu cộng tác không phải cá biệt. Trong quá trình thực hiện, cấp ủy các cấp đã nỗ lực bám sát, để hiểu sâu về thực tế doanh nghiệp. Khi vận động doanh nghiệp phải rất linh hoạt. Nhiều trường hợp, đích thân đồng chí Bí thư, Chủ tịch UBND quận, huyện phải xuống tận doanh nghiệp để gặp gỡ, động viên, tuyên truyền nhiều lần mới có kết quả…
Với sự tâm huyết, kiên trì của cả hệ thống chính trị, qua hơn 7 năm triển khai Nghị quyết 09-NQ/TU, thành phố Hà Nội đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Các chỉ tiêu thành lập mới tổ chức Đảng, đoàn thể hằng năm được thành phố giao cho cơ sở hầu hết đều thực hiện đạt và vượt mức.
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo cho biết: Năm 2018, toàn thành phố đã thành lập mới 152 tổ chức Đảng, đạt 116% kế hoạch; kết nạp được 1.242 đảng viên mới. Một số quận, huyện như: Nam Từ Liêm, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Mê Linh, Sóc Sơn... đã hoàn thành vượt mức chỉ tiêu được giao.
Bên cạnh đó, Liên đoàn Lao động thành phố đã thành lập mới 539 Công đoàn cơ sở, kết nạp được 35.207 đoàn viên mới. Thành đoàn Hà Nội đã chỉ đạo thành lập 206 tổ chức Đoàn, Hội Thanh niên, kết nạp 1.056 đoàn viên, hội viên. Trong quý I-2019, Ban Chỉ đạo các cấp đã thành lập được 34 chi bộ Đảng trong doanh nghiệp ngoài nhà nước...
Hơn thế, cùng với các chính sách hỗ trợ khác, khu vực kinh tế ngoài nhà nước trên địa bàn thành phố luôn phát triển mạnh. Năm 2018, cộng đồng doanh nghiệp Thủ đô có thêm hơn 25.000 doanh nghiệp ngoài nhà nước thành lập mới, đóng góp hơn 40% GDP cho thành phố, mỗi năm tạo thêm việc làm mới cho hơn 150.000 lao động...
Tập trung khắc phục hạn chế về nhận thức
Đánh giá cao việc ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính cho rằng, Hà Nội là một trong những địa phương đầu tiên trên cả nước ban hành Nghị quyết về tăng cường công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước. Đây là vấn đề khó, mới, nhưng Thành ủy Hà Nội đã mạnh dạn, tích cực đi đầu trong việc triển khai, qua đó giúp nhiều doanh nghiệp thấy được lợi ích của tổ chức Đảng, đoàn thể trong quá trình hoạt động, phát triển.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU tại huyện Thanh Trì. Ảnh: Bá Hoạt |
Tuy nhiên, theo Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, để làm tốt công tác xây dựng Đảng tại doanh nghiệp ngoài nhà nước, nhất là khối doanh nghiệp tư nhân do người Việt làm chủ, các cấp ủy Đảng phải nhận thức rõ hạn chế còn tồn tại trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU, từ đó đề ra biện pháp khắc phục, nhất là khắc phục hạn chế về nhận thức.
Hạn chế đó, theo Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo, là địa phương nào bố trí cán bộ tâm huyết, nhiệt tình với công tác xây dựng Đảng, đoàn thể tại doanh nghiệp thì kết quả đạt được rất tốt. Ngược lại nếu cán bộ làm công tác Đảng tại doanh nghiệp còn chưa thông suốt thì việc xây dựng các tổ chức cơ sở Đảng sẽ vô cùng khó khăn.
Theo đánh giá của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, sau 7 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU, chất lượng hoạt động của tổ chức Đảng, các đoàn thể trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước đã được nâng lên rõ rệt; góp phần giúp các doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm, bảo đảm thu nhập cho người lao động, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố.
Các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể cũng nhận thức sâu sắc hơn về vai trò của các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước. Nhiều ban lãnh đạo, chủ doanh nghiệp đã nhận thấy vị trí, vai trò, lợi ích thiết thực của việc có tổ chức Đảng, các đoàn thể nên đã ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức Đảng, các đoàn thể hoạt động.
Tuy nhiên, để có những kết quả tích cực trên là nỗ lực không ngừng của những người làm công tác Đảng tại cơ sở…
(Còn nữa)
Ngày 18-3-2019, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 33-CT/TƯ về “Tăng cường xây dựng tổ chức Đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân”. Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức Đảng, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả công tác vận động, tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong cán bộ, đảng viên, chủ doanh nghiệp và người lao động về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa... |