Kiên trì thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững
Xã hội - Ngày đăng : 06:46, 21/05/2019
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới về công tác giảm nghèo, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Khuất Văn Thành cho biết: Thành phố Hà Nội tiếp tục kiên trì thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Đào tạo nghề cho lao động là hướng giảm nghèo bền vững. |
- Hà Nội về đích sớm 2 năm mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo. Xin ông cho biết rõ hơn về kết quả này?
- Năm 2016 - thời kỳ đầu thực hiện “Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020”, thành phố Hà Nội còn hơn 65.000 hộ nghèo (chiếm 3,64%) và hơn 34.000 hộ cận nghèo (chiếm 1,89%). Tại 14 xã khu vực miền núi có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 13,38%; còn 2 xã và 17 thôn đặc biệt khó khăn theo Chương trình 135 của Chính phủ.
Căn cứ tình hình thực tế, HĐND thành phố Hà Nội đã ban hành một số nghị quyết; UBND thành phố đưa ra nhiều quyết định, chương trình, kế hoạch hỗ trợ giảm nghèo bền vững. Mục tiêu chung là đến cuối năm 2018, thành phố Hà Nội không còn xã, thôn đặc biệt khó khăn. Đến năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 1,2%, riêng tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực nông thôn còn dưới 1,5%, ở các xã miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn dưới 3%.
Nhờ sự nỗ lực từ nhiều phía, vào tháng 5-2017, Hà Nội không còn xã, thôn đặc biệt khó khăn, hoàn thành trước một năm so với kế hoạch. Chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều được áp dụng trên địa bàn Hà Nội cao gấp 1,5 lần chuẩn nghèo chung, nhưng tỷ lệ hộ nghèo vẫn giảm nhanh và bền vững. Trong giai đoạn 2016-2018, toàn thành phố giảm gần 52.000 hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo của Hà Nội giảm còn 1,16% vào thời điểm cuối năm 2018, về đích trước 2 năm kế hoạch. Đáng chú ý, Hà Nội có 4 quận: Ba Đình, Cầu Giấy, Tây Hồ, Thanh Xuân không còn hộ nghèo.
- Thành phố Hà Nội đã hỗ trợ người nghèo vươn lên bằng cách nào?
- Nhìn lại quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn Hà Nội, không khó để nhận thấy, các địa phương còn khó khăn được khơi nguồn sức mạnh nội lực để phát triển, người nghèo được tạo “giá đỡ” để vươn lên.
Đối với vùng dân tộc thiểu số, miền núi, thành phố Hà Nội đã đầu tư 850 tỷ đồng để thực hiện 47 dự án phát triển kinh tế - xã hội. Đến nay, 100% xã miền núi có đường bê tông hoặc trải nhựa đến trung tâm xã, đạt các tiêu chí về điện, thông tin, nhà ở, giáo dục, y tế cơ sở. Một số mô hình ứng dụng, chuyển giao khoa học - công nghệ cũng được triển khai, góp phần khai thác, phát huy thế mạnh của từng địa phương. Nổi bật là mô hình trồng và chế biến thuốc nam ở xã Ba Vì...; phát triển chăn nuôi, làm du lịch ở xã An Phú (huyện Mỹ Đức)…
Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn là giải pháp giảm nghèo bền vững. Ảnh: Sơn Hà |
Người dân ở những địa phương này còn được hỗ trợ học nghề, trao nguồn sinh kế, vay vốn ưu đãi... Nhờ sự hỗ trợ toàn diện, kinh tế - xã hội ở các xã miền núi có sự chuyển biến tích cực. Điển hình là xã Yên Trung (huyện Thạch Thất) đã giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 5,42% vào thời điểm đầu năm 2016, xuống còn 1,53% vào cuối năm 2018; xã Đông Xuân (huyện Quốc Oai) cũng giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 4,89% vào đầu năm 2016, xuống còn 0,43% vào cuối năm 2018...
Cùng với chính sách ưu tiên cho vùng khó khăn, thành phố Hà Nội còn hỗ trợ người nghèo cả về vật chất, tinh thần. Từ năm 2016 đến nay, thành phố ủy thác qua các chi nhánh của Ngân hàng Chính sách xã hội hơn 2.400 tỷ đồng cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ vừa thoát nghèo được vay vốn để sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm, xây dựng nhà ở. Trong đó, việc hỗ trợ về nhà ở cho hộ nghèo được thực hiện theo Kế hoạch số 29/KH-UBND ngày 25-1-2018 của UBND thành phố để lại những dấu ấn đặc biệt.
Đó là, toàn thành phố có 4.166 hộ nghèo được cải thiện nhà ở trong năm 2018, đưa Hà Nội trở thành một trong những địa phương đầu tiên cơ bản không còn hộ nghèo gặp khó khăn về nhà ở. Ngoài ra, Hà Nội dành hơn 3.515 tỷ đồng chi trợ cấp xã hội hằng tháng; hỗ trợ bảo hiểm y tế, tặng quà cho người thuộc hộ nghèo, cận nghèo.
Các quận, huyện, thị xã cũng áp dụng những giải pháp hỗ trợ giảm nghèo phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng, đặc thù của từng địa phương. Các tổ chức chính trị, xã hội, cá nhân, nhà hảo tâm chung tay, giúp sức hỗ trợ người nghèo. Từng hộ gia đình chủ động vượt khó và giúp đỡ các hộ gia đình khác phát triển kinh tế, cùng vươn lên thoát nghèo.
- Theo ông, Hà Nội cần làm gì để không còn hộ nghèo vào cuối năm 2020?
- Các sở, ban, ngành, các địa phương cần tiếp tục thực hiện đồng bộ chuỗi giải pháp hỗ trợ giảm nghèo bền vững. Những người không có khả năng tự thoát nghèo cần được xét duyệt trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng.
Đối với hộ nghèo còn sức lao động, giải pháp lâu dài là nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho người lao động để họ chủ động nắm bắt kiến thức, ứng dụng khoa học, kỹ thuật hiện đại vào sản xuất. Mô hình đào tạo nghề gắn với nhu cầu sử dụng lao động của thị trường sẽ được nhân rộng, phát huy. Người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, vùng dân tộc thiểu số là đối tượng ưu tiên thụ hưởng chính sách hỗ trợ giảm nghèo bền vững.
Với hướng đi này, tôi tin rằng, thành phố Hà Nội sẽ đạt mục tiêu: Đến cuối năm 2019, thành phố cơ bản không còn hộ nghèo; không có ai bị bỏ lại phía sau trên hành trình phát triển.
- Trân trọng cảm ơn ông!