Vì môi trường và sức khỏe cộng đồng
Công nghệ - Ngày đăng : 06:30, 21/05/2019
Xe buýt Thủ đô luôn được bảo dưỡng kịp thời để bảo đảm các tiêu chuẩn kỹ thuật, không gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: Viết Thành |
Kiểm soát chất lượng không khí cũng chính là nhiệm vụ luôn được Hà Nội chủ động thực hiện trong những năm qua vì môi trường trong lành và nâng cao sức khỏe cộng đồng. Bởi thế, thành phố đã sẵn sàng thực hiện theo lộ trình mới được Thủ tướng Chính phủ quy định.
Nâng tiêu chuẩn là cần thiết
Hiện nay, tình hình ô nhiễm môi trường không khí trong cả nước nói chung và trên địa bàn thành phố Hà Nội nói riêng đang diễn biến phức tạp, nồng độ các chất gây ô nhiễm không khí có xu hướng tăng.
Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn thành phố Hà Nội có hơn 6 triệu xe máy và khoảng 600 nghìn xe ô tô các loại. Trong quá trình hoạt động, phương tiện giao thông cơ giới phát thải vào không khí một khối lượng lớn các loại khí độc như cacbonic, nitơ oxit, cũng như khói đen...
Ông Ngô Anh Tú, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo (Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội) cho biết, công tác kiểm soát khí thải phương tiện giao thông cơ giới là vấn đề được Chính phủ đặc biệt quan tâm, chỉ đạo và đã ban hành nhiều văn bản thực hiện quản lý về khí thải của phương tiện giao thông cơ giới, trong đó đáng chú ý là Quyết định 249/2005/QĐ-TTg ngày 10-10-2005 quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Ngay từ những năm đầu triển khai Quyết định 249/2005/QĐ-TTg, việc kiểm soát khí thải xe ô tô tham gia giao thông đã có chuyển biến tích cực. Phát thải chất gây ô nhiễm được kiểm soát chặt chẽ, tỷ lệ phương tiện không đạt khi kiểm tra khí thải đang giảm dần theo từng năm.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, số lượng xe ô tô tham gia giao thông đã tăng 3,22 lần so với năm 2008, trong khi mức tiêu chuẩn khí thải hiện tại áp dụng đối với xe ô tô tham gia giao thông tại nước ta là thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Do đó cần thiết phải nâng cao để giảm phát thải gây ô nhiễm, bảo đảm đáp ứng công tác bảo vệ môi trường không khí, bảo đảm sức khỏe cộng đồng. Quyết định 16/2019/QĐ-TTg ngày 28-3-2019 mới được Thủ tướng Chính phủ ban hành và có hiệu lực từ ngày 15-5-2019 chính là nhằm hiện thực hóa mục tiêu này.
Theo lộ trình quy định tại Quyết định 16/2019/QĐ-TTg, mức tiêu chuẩn khí thải cao hơn sẽ được áp dụng với hơn 94% số lượng xe ô tô tham gia giao thông. Chỉ khoảng 6% số lượng phương tiện sản xuất trước năm 1999 (phương tiện trên 20 tuổi) được phép áp dụng mức tiêu chuẩn khí thải hiện tại (mức 1), tuy nhiên, tỷ lệ này sẽ tiếp tục giảm trong các năm tiếp theo do áp dụng quy định về niên hạn sử dụng xe ô tô.
Hà Nội đang nỗ lực kiểm soát
Kiểm định khí thải xe ô tô tại Trung tâm Đăng kiểm 29-06V (Hà Nội).Ảnh: Sơn Hà |
Số liệu thống kê tại các trạm quan trắc không khí cho thấy, chất lượng không khí chủ yếu ở mức trung bình, không ít ngày ở mức kém. Đặc biệt, tại hai trạm quan trắc chất lượng không khí giao thông đặt tại phường Minh Khai và đường Phạm Văn Đồng thường có chất lượng kém hơn tại các trạm khác. Điều đó đã phần nào cho thấy tác động của khí thải phương tiện tới chất lượng không khí.
Để khắc phục, thành phố đã triển khai các dự án quan trắc tự động (nước thải, khí thải) tại các khu vực trọng yếu nhằm phục vụ công tác dự báo, cảnh báo sớm cho các nhà quản lý và người dân về các hiện tượng ô nhiễm môi trường cục bộ tại từng khu vực; thực hiện chương trình trồng một triệu cây xanh giai đoạn 2016-2020. Cùng với đó là tiếp tục đầu tư cơ giới hóa xe hút bụi; xây dựng đề án quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường...
Riêng về vấn đề khí thải phương tiện cơ giới, các doanh nghiệp trên địa bàn cũng đã chủ động triển khai đầu tư mới phương tiện chất lượng cao. Điển hình là Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) - đơn vị chủ lực của thành phố trong lĩnh vực vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt. Riêng trong năm 2018, Transerco đã đầu tư mới và đưa vào khai thác 172 phương tiện chất lượng cao, tiêu chuẩn khí thải EURO 4 và sẽ tiếp tục lộ trình đầu tư phương tiện chất lượng cao trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, tầm nhìn 2025 theo đề án nâng cao chất lượng dịch vụ xe buýt của thành phố...
Không chỉ Transerco, một số đơn vị vận tải khác cũng đã chủ động đầu tư phương tiện thân thiện với môi trường. Chẳng hạn, Công ty TNHH Du lịch dịch vụ xây dựng Bảo Yến, đầu tháng 8-2018 đã đưa vào khai thác 3 tuyến buýt sử dụng nhiên liệu sạch - CNG đầu tiên tại Hà Nội với tổng số 50 xe. Loại hình này có ưu điểm nổi bật là giảm ô nhiễm môi trường và tiết kiệm được 30% nhiên liệu so với xe sử dụng dầu; giảm đáng kể các loại khí thải và đặc biệt xe không xả khói như xe sử dụng xăng, dầu.
Ghi nhận các đơn vị xe buýt của Thủ đô đã quan tâm đầu tư đổi mới phương tiện, bà Nguyễn Thị Tình (số nhà 278 đường Thanh Bình, quận Hà Đông) chia sẻ, mấy năm trước, thỉnh thoảng đi đường vẫn gặp những chiếc xe xả khói đen rất khó chịu. Lâu nay người dân không còn thấy tình trạng này. Xe buýt hiện giờ văn minh, lịch sự và an toàn hơn nhiều.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Vũ Hà, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội cho biết, ngay khi có Quyết định 16/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Sở đã khẩn trương thông báo lộ trình áp dụng tới các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới đường bộ để chuẩn bị, cũng như tới các đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn thành phố để chủ động trong việc đầu tư xe ô tô đã qua sử dụng nhập khẩu đưa vào kinh doanh. Trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Giao thông - Vận tải tổ chức, huy động các nguồn lực để nghiên cứu, thử nghiệm áp dụng công nghệ xử lý khí thải nhằm xây dựng cơ chế, chính sách; hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và nâng cao hiệu quả quản lý phát thải đối với các chất gây ô nhiễm từ xe cơ giới tham gia giao thông.